Giỗ Tổ Hùng Vương trao truyền đạo lý uống nước nhớ nguồn

Hoa Thúy
Chia sẻ
(VOV5) - Từ hàng nghìn năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được nhân dân Việt Nam tổ chức thường niên đúng 10/3 Âm lịch. Hoạt động thờ cúng Hùng Vương vì thế trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc, là dịp để muôn dân tăng cường hiểu biết về cội nguồn, vun đắp tinh thần đoàn kết dựng xây non sông, gấm vóc. Hoạt động thờ cúng Hùng Vương, với những giá trị đạo đức mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đã vượt ra khỏi biên giới dân tộc khi Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục Liên Hiệp Quốc công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá của nhân loại.

(VOV5) - Từ hàng nghìn năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn được nhân dân Việt Nam tổ chức thường niên đúng 10/3 Âm lịch. Hoạt động thờ cúng Hùng Vương vì thế trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc, là dịp để muôn dân tăng cường hiểu biết về cội nguồn, vun đắp tinh thần đoàn kết dựng xây non sông, gấm vóc. Hoạt động thờ cúng Hùng Vương, với những giá trị đạo đức mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đã vượt ra khỏi biên giới dân tộc khi Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục Liên Hiệp Quốc công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương trao truyền đạo lý uống nước nhớ nguồn - ảnh 1
Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản phi vật thể đại diện của nhân loại "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" (Ảnh TTXVN)



Nghe âm thanh tại đây:





Mảnh đất Phú Thọ, mấy ngàn năm trước, là nơi cha Rồng, mẹ Tiên kết duyên Hồng Lạc, sinh ra bọc trăm trứng, hình thành bách gia trăm họ, tạo nên nghĩa “đồng bào”. Đây cũng là nơi các Vua Hùng (năm 2879- 258 trước Công nguyên) lập lên nhà nước Văn Lang đầu tiên của Việt Nam. Chính vì vậy, khu vực đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ, là vùng đất Tổ, hội tụ cao nhất việc thực hành thờ cúng Hùng Vương. Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương (257-208 trước Công nguyên), một cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại…". Hàng nghìn năm lịch sử sau đó, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam liên tục xác lập "ngọc phả" về thời đại Hùng Vương và khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Ngày Giỗ Tổ và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của các thế hệ người Việt Nam, vì thế trở thành giá trị riêng biệt của dân tộc Việt Nam. Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cho biết: “Thờ cúng tổ tiên chính là truyền thống liên quan đến người khởi xướng của gia tộc, của dòng họ. Ở  các dân tộc khác nó đã vượt qua  nhưng ở Việt Nam nó kết tinh lại thành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.  Việc thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương ở Việt Nam đã vượt qua sự khác biệt của các triều đại. Dù có Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn, có khác biệt các triều đại, nhưng triều đại nào cũng phải giữ phong tục đó, thậm chí đến thời đại  của những người cách mạng hiện nay vẫn giữ, thậm chí củng cố và nâng cao thêm. Tôi gọi việc thờ Quốc Tổ vượt qua cả thời đại và triều đại, nó là thứ văn hóa vượt lên mọi khác biệt chính trị, trở thành mục tiêu tối cao của dân tộc”.

Việc có ngày Giỗ Tổ và thực hành thờ cúng Hùng Vương ngay từ giai đoạn sơ khai của lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng tỏ dân tộc Việt Nam sớm có ý thức về cội nguồn và liên tục bồi đắp, trao truyền các giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc thông qua các hoạt động này. Giáo sư Ngô Đức Thịnh nhấn mạnh: “Về mặt văn hóa thì ngày Giỗ Tổ không chỉ là ngày Giỗ Tổ mà nó còn tích tụ nhiều truyền thống văn hóa. Thông qua ngày đó, nó cũng lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc và nó trao truyền văn hóa qua các thời kỳ. Một khía cạnh khác, theo đánh giá của Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc, là việc thờ cúng Hùng Vương thể hiện tính nhân bản của một dân tộc luôn luôn nghĩ đến quá khứ của mình theo tâm thức ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. 

Tiếp nối truyền thống của dân tộc, hàng triệu người Việt Nam đã hội tụ về đền Hùng mỗi năm để tưởng nhớ tổ tiên, với nghi lễ lớn nhất là Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra trong khoảng 1 tuần, kể từ đầu tháng 3 âm lịch cho đến ngày chính hội là 10/3. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương gắn liền với sự kiện Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục Liên hiệp quốc vinh danh “ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá của nhân loại. Bà Katherine Muller, Trưởng đại diện Tổ chức Văn hoá, Khoa học, Giáo dục Liên hiệp quốc tại Việt Nam, chia sẻ: “Buổi lễ này là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự đoàn kết và thống nhất đối với dân tộc Việt Nam, cũng như tầm quan trọng đối với việc công nhận giá trị của sự đa dạng được thống nhất bởi một cội nguồn duy nhất, một mối quan hệ huyết thống duy nhất vốn được hình thành từ tình yêu giữa Âu Cơ, một vị tiên trẻ trung, xinh đẹp và Lạc Long Quân, một vua rồng từ biển cả. Mong cho niềm tin này sẽ mãi gắn kết dân tộc Việt Nam và định hướng cho mọi người dân cùng nhau chung sống bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hóa”.

Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục khẳng định ý nghĩa sâu xa của Giỗ Tổ Hùng Vương đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm và tinh thần đại đoàn kết dân tộc của mỗi người Việt Nam trong mọi thời đại. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc Tổ phù hộ cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hoà, đất nước yên vui, thịnh vượng; mà còn có ý nghĩa sâu xa, nhắc nhở kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Vì vậy, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử hàng nghìn năm, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của cả dân tộc Việt Nam. Đây chính là nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển”.

Giỗ Tổ Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hôm nay được gần 90 triệu đồng bào trong nước và 4,5 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cùng chung hướng nguyện tổ chức, với niềm tự hào về những giá trị riêng biệt đã làm nên sức mạnh của dân tộc Việt nam qua bao thời đại. Với ngày Giỗ Tổ này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại tiếp tục được trao truyền,  mãi nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ Việt Nam, vun đắp các giá trị Việt Nam trong thời đại mới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu