Giá trị của châu bản triều Nguyễn

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Châu bản là những tài liệu chứa đựng nhiều thông tin đa dạng, độ tin cậy cao, phản ánh đầy đủ mọi mặt các vấn đề của xã hội dưới triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, đây còn là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống.

(VOV5) - Châu bản triều Nguyễn thực sự là những tài liệu độc đáo mang giá trị sử liệu cao. Châu bản lưu lại nhiều bút tích mang tính cực quyền của vương triều trên các văn kiện cao nhất mang tính chất nhà nước phong kiến, trở thành chủ trương, mệnh lệnh ban hành qua các bài chiếu, chỉ, dụ…và được thực thi có hiệu quả liên tục trong gần 150 năm các vương triều nhà Nguyễn. Những giá trị đặc trưng của các văn bản quản lý nhà nước này là độc bản, trở thành di sản lịch sử và văn hóa đặc sắc của Việt Nam. 

Giá trị của châu bản triều Nguyễn - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Châu bản là những tài liệu chứa đựng nhiều thông tin đa dạng, độ tin cậy cao, phản ánh đầy đủ mọi mặt các vấn đề của xã hội dưới triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, đây còn là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: “Đại Nam thực lục chính biên”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Quốc triều chính biên toát yếu”, “Minh Mệnh chính yếu”… Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ  Nhà nước cho biết châu bản triều Nguyễn được chia làm 3 nhóm văn bản. Nhóm thứ nhất, là các văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền triều Nguyễn soạn thảo. Nhóm thứ  2 là các văn bản do nhà vua ban hành. Nhóm thứ 3 là văn bản ngoại giao. Những văn bản đó được nhà vua xem xét, phê duyệt bằng những bút tích của vua với nhiều hình thức khác nhau. 

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương: "Tính độc đáo của châu bản triều Nguyễn có rất nhiều nhưng tính độc đáo và duy nhất của châu bản là những văn bản duy nhất có những bút phê của vua. Trên các vản bản triều Nguyễn nếu gọi là châu bản thì phải có bút phê của vua dùng bằng mực đỏ. Trên châu bản triều Nguyễn có rất nhiều cách thể hiện, đây cũng là một nét độc đáo. Nếu mà là châu sổ gạch là vua không đồng ý, châu phê là khi nhận được văn bản của cấp dưới gửi lên thì vua phê là đồng ý cái này hoặc là vua sửa, châu khuyên là vòng khoanh lại để thể hiện ý kiến của mình".

Các văn bản trong những tài liệu này đều là bản gốc có ghi ngày giờ, niên đại ban hành cụ thể, có dấu ấn của vương triều.  Đây là những dấu hiệu phản ánh chân thực nhất cho các hoạt động quản lý nhà nước của các cấp chính quyền tại một quốc gia phong kiến ở phương Đông. Ông Nguyễn Công Việt, Quyền Viện trưởng viện nghiên cứu Hán Nôm, cho biết: "Dấu tích còn được thể hiện ở hình con dấu như kim, ngọc, bảo, tỷ, ấn…. Nhất là ấn chương, đây là dấu tích quan trọng tạo cho văn bản có tính uy tín cao đối với người tiếp nhận. Một văn bản có nhiều dấu tích công nhận thì được coi là tài liệu gốc đảm bảo về tiêu chí văn bản học. Tài liệu châu bản có ấn tín không nhất thiết chỉ của một người, của một cơ quan đề ra mà trên đường đi của một văn bản, các dấu tích khác lần lượt được thêm vào và nếu không có chúng thì không được coi là một văn bản hoàn chỉnh. Giá trị châu bản chính là văn bản hành chính và có những dấu tích được công nhận xác thực đóng dấu trên văn bản đó".

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I hiện đã tiến hành phục chế hầu hết châu bản bị hư hỏng. Ngoài ra, các châu bản được tiến hành số hóa, lập cơ sở dữ liệu trên hệ thống mạng nội bộ của trung tâm, tránh việc đưa bản gốc phục vụ công tác nghiên cứu. Ông Hà Văn Huề, Giám đốc trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, cho biết sau khi châu bản được công nhận là Di sản tư liệu khu vực thì trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của châu bản trong thời gian sẽ được tăng cường. "Chúng tôi suy nghĩ  đến việc phải xây dựng đề án để phát huy tốt nhất châu bản. Không riêng gì việc công bố xuất bản mà đề án bao hàm nhiều nội dung. Trước tiên là biên tập, công bố châu bản triều Nguyễn theo chuyên đề. Tương lai trung tâm xây dựng một khuôn viên trưng bày, triển lãm thường xuyên tài liệu châu bản triều Nguyễn với tên gọi là “Không gian châu bản triều Nguyễn”. Tiếp theo là từng bước giới thiệu châu bản trên diện rộng và tăng cường tổ chức các hội thảo quốc tế, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa về châu bản triều Nguyễn. Thực hiện biện pháp tăng cường công tác bảo tồn châu bản triều Nguyễn từ kho tàng cho đến phương tiện bảo quản cho đến phục chế tài liệu hư hỏng" - ông Huề nói.

Châu bản là một khối văn bản đồ sộ, gắn liền với triều Nguyễn. Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với gần 800 tập châu bản còn lưu giữ được tương đương khoảng 85.000 văn bản, châu bản triều Nguyễn hiện đang được ngành lưu trữ Việt Nam bảo quản trong các hộp gỗ vàng tâm, một loại gỗ thơm quý hiếm, ngoài các hộp được sơn son thiếp vàng để trên các giá gỗ lim bền vững với thời gian. Với những giá trị truyền thống, độc đáo chứa đựng trong châu bản đã lưu truyền lại cho hậu thế những bức tranh xã hội các vương triều Nguyễn trên nhiều lĩnh vực như:  khoa học, xã hội, lịch sử, địa lý, văn hóa… bằng hình thức văn bản học của Việt Nam./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu