Gây quỹ cộng đồng - hướng đi mới để quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV5) - Không đi theo lối mòn của hình thức xuất bản cũ, nhiều tác giả trẻ Việt Nam hiện nay đang chọn cho mình một hướng đi mới để tiếp cận trực tiếp với độc giả, đó là gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) để xuất bản sách.

(VOV5) - Không đi theo lối mòn của hình thức xuất bản cũ, nhiều tác giả trẻ Việt Nam hiện nay đang chọn cho mình một hướng đi mới để tiếp cận trực tiếp với độc giả, đó là gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) để xuất bản sách. Bắt nguồn từ những mong ước và tình yêu với văn hóa dân tộc, các dự án gây quỹ cộng đồng bước đầu hiện thực hóa niềm đam mê nghệ thuật với sự hiện diện của những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam. Ngày càng có thêm những dự án nghệ thuật ra đời từ hình thức crowdfunding và nó đang mở ra nhiều cơ hội để các tác giả tìm đường ra cho các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) là hình thức còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Những năm gần đây, gây quỹ cộng đồng đã xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, tuy nhiên trong xuất bản, phải đến năm 2014 hình thức này mới chính thức được biết đến với việc ra đời bộ truyện tranh lịch sử "Long Thần Tướng". Đây là seri truyện tranh Việt Nam gồm 5 tập của các bạn trẻ nhóm Phong Dương comic, ra đời lần đầu tiên vào tháng 11/2014. Với việc gây quỹ cộng đồng, nhóm tác giả của Phương Dương comic kêu gọi độc giả ủng hộ kinh phí để xuất bản truyện tranh của mình. Trong lần đầu tiên xuất bản sách, nhóm đã vận động được hơn 300 triệu đồng từ phía các độc giả. Khi xuất bản tập 2, số tiền vận động được là hơn 200 triệu. Trước khi tập 3 được ấn hành vào tháng 4 tới, nhóm đón nhận tin vui đó là bộ truyện tranh “Long Thần Tướng” tập 1 được trao giải Bạc Giải thưởng truyện tranh Manga Quốc tế lần thứ 9 (International Manga Award 9), một trong những giải thưởng truyện tranh danh giá nhất thế giới tổ chức vào đầu tháng 3. Anh Nguyễn Thành Phong, họa sĩ vẽ tranh của bộ truyện, chia sẻ "Long Thần Tướng" là một trải nghiệm mới khi nhóm Phong Dương comic chọn hình thức gây quỹ cộng đồng: "Chúng tôi quyết định lựa chọn phương thức gây quỹ cộng đồng để xây dựng bộ truyện này là vì chúng tôi không muốn phụ thuộc vào phương thức xuất bản cũ nữa. Phương thức gây quỹ có điểm đặc biệt là kéo gần khoảng cách giữa tác giả và độc giả của mình. Độc giả có thể trực tiếp ủng hộ cho tác giả để xây dựng các tác phẩm có tiềm năng hoặc tác phẩm yêu thích của mình".   

Gây quỹ cộng đồng - hướng đi mới để quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt - ảnh 1
Truyện tranh Long thần tướng tập 1 vừa nhận được giải Bạc Giải thưởng truyện tranh Manga Quốc tế lần thứ 9



Thành công của "Long Thần Tướng" được coi như một sự kiện của làng xuất bản vốn vẫn quen với cách thức các nhà xuất bản bán sách - thu tiền. Từ sau hiệu quả của dự án này, ngày càng có thêm nhiều cuốn sách được xuất bản theo hình thức crowdfunding như: cuốn sách ảnh Humans of Hanoi - Bước vào thế giới của nhau; tiểu thuyết Thành Kỳ Ý; truyện tranh Mật ngọt chết mèo; Sổ tay giáo dục gia đình (sách kỹ năng cho các bậc cha mẹ)... Thực tế cho thấy mô hình gây quỹ cộng đồng giúp kéo gần hơn khoảng cách giữa công chúng và người sáng tạo. Nó cho phép chính bạn đọc trở thành đồng tác giả xây dựng dự án ngay từ đầu bằng việc góp ý từ nội dung đến hình thức. Chính vì vậy mà hiện nay, nhiều tác giả, nhóm tác giả lựa chọn gây quỹ cộng đồng để hiện thực hóa và chia sẻ đam mê của mình với cộng đồng, xã hội.


Mới đây nhất, từ đầu năm 2016, các bạn trẻ trong nhóm Đại Việt cổ phong khởi xướng dự án "Hoa văn Đại Việt" bằng hình thức gây quỹ cộng đồng, với mong muốn số hóa các hoa văn cổ Việt Nam để ứng dụng trong các lĩnh vực hội họa, kiến trúc, thiết kế vật dụng... Cụ thể, nhóm sẽ thực hiện số hóa những hoa văn cổ trên nhiều hiện vật, thư tịch để xây dựng "tài sản chung", phục vụ nhu cầu xã hội. Với niềm đam mê và sự tâm huyết, không chờ đợi đạt đến mục tiêu gây quỹ là 100 triệu đồng, sau khi đạt mức 35 triệu đồng, nhóm đã tiến hành từng bước sưu tầm, số hóa hoa văn thời Nguyễn. Khi quỹ đạt 50 triệu đồng, nhóm tiếp tục thực hiện sưu tầm, số hóa hoa văn kiến trúc, đồ dùng thời Lê... Anh Cù Minh Khôi, họa sĩ tư vấn, nghiệm thu của dự án "Hoa văn Đại Việt", cho rằng: "Chúng ta phải hiểu được là chúng ta làm được gì, cung cấp được gì cho người ủng hộ, để họ ủng hộ mình. Chính vì thế chúng ta phải làm được việc là dự án đấy có lợi ích nhất định đối với bộ phận nào đó trong xã hội để họ thấy được lợi ích thực tế nhất đối với họ. Thứ hai là chúng ta làm dự án bằng cái tâm, sự nhiệt tình đối với công việc thì mọi người sẽ hiểu và ủng hộ mình".


Gây quỹ cộng đồng - hướng đi mới để quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt - ảnh 2
Hoạ tiết voi và mây trên gốm hoa lam Chu Đậu thế kỉ 15 được số hóa. Ảnh: vov.vn



Mới đây nhất, từ đầu năm 2016, các bạn trẻ trong nhóm Đại Việt cổ phong khởi xướng dự án "Hoa văn Đại Việt" bằng hình thức gây quỹ cộng đồng, với mong muốn số hóa các hoa văn cổ Việt Nam để ứng dụng trong các lĩnh vực hội họa, kiến trúc, thiết kế vật dụng... Cụ thể, nhóm sẽ thực hiện số hóa những hoa văn cổ trên nhiều hiện vật, thư tịch để xây dựng "tài sản chung", phục vụ nhu cầu xã hội. Với niềm đam mê và sự tâm huyết, không chờ đợi đạt đến mục tiêu gây quỹ là 100 triệu đồng, sau khi đạt mức 35 triệu đồng, nhóm đã tiến hành từng bước sưu tầm, số hóa hoa văn thời Nguyễn. Khi quỹ đạt 50 triệu đồng, nhóm tiếp tục thực hiện sưu tầm, số hóa hoa văn kiến trúc, đồ dùng thời Lê... Anh Cù Minh Khôi, họa sĩ tư vấn, nghiệm thu của dự án "Hoa văn Đại Việt", cho rằng: "Chúng ta phải hiểu được là chúng ta làm được gì, cung cấp được gì cho người ủng hộ, để họ ủng hộ mình. Chính vì thế chúng ta phải làm được việc là dự án đấy có lợi ích nhất định đối với bộ phận nào đó trong xã hội để họ thấy được lợi ích thực tế nhất đối với họ. Thứ hai là chúng ta làm dự án bằng cái tâm, sự nhiệt tình đối với công việc thì mọi người sẽ hiểu và ủng hộ mình".


Những dự án như "Long Thần Tướng" và kho tư liệu số hóa "Hoa văn Đại Việt" được xem là sản phẩm "Made in Việt Nam" thành công từ quỹ cộng đồng của các bạn trẻ say mê với văn hóa dân tộc. Việc xuất bản sách từ quỹ của bạn đọc đã giúp tác giả trẻ học hỏi thêm kinh nghiệm về quản lý thời gian, kế hoạch sản xuất ấn phẩm, hay cả khâu chăm sóc các khách hàng - những người góp phần vào sự ra đời của cuốn sách. Quỹ cộng đồng cũng làm cho những dự án truyện được đầu tư tỉ mỉ, công phu hơn, chính vì thế mà tác giả phải luôn chăm chút tác phẩm cẩn thận. Anh Nguyễn Khánh Dương, người đồng sáng lập Công ty cổ phần truyện tranh Comicola, đơn vị tổ chức gây quỹ cộng đồng cả hai dự án trên, cho biết khi dự án thành công sẽ đưa bộ sưu tập hoa văn cổ lên mạng và chia sẻ miễn phí cho mọi người: "Mọi người luôn ủng hộ dự án của người Việt. Tương tự như Long Thần Tướng, chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ từ nước ngoài. Họ gửi tiền cho chúng tôi và đi kèm email: không cần gửi gì cho tôi đâu, các bạn cứ cố gắng lên nhé. Và đấy là những động lực lớn cho chúng tôi để phát triển những dự án như thế".


Ngoài 2 dự án "Long Thần Tướng" và "Hoa văn Đại Việt", Công ty cổ phần truyện tranh Comicola còn gây quỹ và hỗ trợ xuất bản trên 10 đầu sách truyện tranh. Bên cạnh đó, các dự án ra mắt CD nhạc, tuyên truyền nhận thức cộng đồng về các vấn đề xã hội... của công ty cũng được mọi người nhiệt tình ủng hộ.


Có thể nói gây quỹ cộng đồng là biểu hiện của trách nhiệm xã hội thông qua việc lựa chọn và thúc đẩy quá trình ra đời của những cuốn sách vì “độc giả cần sách hay, sách tốt và họ sẵn sàng đầu tư để nhận lại sản phẩm như kỳ vọng”. Khi quỹ cộng đồng được các tác giả sử dụng có hiệu quả, độc giả sẽ ngày càng có thêm nhiều những ấn phẩm hay, chất lượng cao, từ đó góp phần nâng cao văn hóa đọc của cộng đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu