Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh nhìn từ các chuyên gia

Việt Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Tài nguyên văn hóa có thể đem lại những tiềm năng to lớn và hỗ trợ quá trình chuyển đổi gắn với du lịch tăng trưởng xanh

Du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh chính là một mô hình, phương thức cập nhật của du lịch bền vững, dựa trên cơ sở khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, gắn kết tăng trưởng với xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những thông tin về vấn đề này được chia sẻ tại hội thảo Sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch theo hướng du lịch tăng trưởng xanh” của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh nhìn từ các chuyên gia - ảnh 1Đà Nẵng chủ trương phát triển sự kiện xanh gắn với du lịch bền vững - Ảnh: Lê Hải Sơn

Nghiên cứu về phát triển sự kiện xanh gắn với du lịch bền vững tại thành phố Đà Nẵng của TS.Trịnh Thị Thu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và thạc sĩ Đinh Thế Toàn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: ‘Là một thành phố du lịch, thành phố Đà Nẵng đã tận dụng tài nguyên tổ chức nhiều sự kiện du lịch nhằm quảng bá hình ảnh thành phố và thu hút khách du lịch đến với thành phố. Nhiều loại hình du lịch gắn với sự kiện nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển được tổ chức..

Trong những năm gần đây thành phố Đà Nẵng cũng đã định hướng tăng trưởng xanh. Vì sự kiện xanh được sự quan tâm của nhiều bên tham gia của thành phố Đà Nẵng và thu hút sự tham gia đáng kể từ người dân địa phương và du khách quốc tế cũng như nội địa, Tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng là thành phố môi trường, hướng đến mục tiêu trở thành thành phố xanh các tiêu chuẩn quốc tế đang hướng đến của UNDP. Đến năm 2018 sau 10 năm nỗ lực thực hiện, Đà Nẵng đã vinh dự trở thành một thành phố xanh quốc gia của Việt Nam."

Trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên văn hóa ở Hội An gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, ông  Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: "Nhận thức di sản sẽ khó có thể được bảo tồn nếu không góp phần cải thiện sinh kế của người dân nên từ rất sớm chính quyền địa phương đã quan tâm đến việc tạo điều kiện để người dân được hưởng lợi từ di sản. Các hoạt động dịch vụ phù hợp được khuyến khích phát triển trong Khu phố cổ. Các nghề thủ công truyền thống như làm lồng đèn, nghề may nhanh, chạm trổ, chế biến món ăn được tạo điều kiện hoạt động…

Hội An cũng nghiên cứu, phục hồi các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương: Phục hồi và chuyển giao cho các chủ thể thực hành di sản để tạo thành những sản phẩm văn hóa như lễ hội Cầu bông Trà Quế, lễ giỗ tổ Tiền hiền và nghề mộc Kim Bồng, lễ giỗ tổ nghề gốm Nam Diêu, lễ Cầu ngư ở Cửa Đại và ở Cù Lao Chàm… Sau khi trả về với cộng đồng chủ thể, sức sống, tính hấp dẫn của các hình thái văn hóa phi vật thể này được nâng cao rõ rệt…" - Ông Ngọc nói.

Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh nhìn từ các chuyên gia - ảnh 2Khinh khí cầu bên sông Hoài trước lễ hội khinh khí cầu tháng 3/2022 tại Hội An - một trong những sự kiện, hoạt động nổi bật hưởng ứng lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022. - Ảnh Lê Hải Sơn

Chia sẻ về thực trạng công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường cảnh quan, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cho biết, Tràng An đang phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn tầm cỡ quốc gia và khu vực "Tham quan các di tích lịch sử văn hoá; tham gia các hoạt động lễ hội, tâm linh tại khu chùa Bái Đính, chùa Địch Lộng, chùa Bích Động, điện Thái Vi, đền vua Đinh – Lê; tham quan hệ thống hang động, các hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi với những cơ hội quan sát các loài sinh vật quý hiếm, đặc biệt là loài Voọc quần đùi trắng trong tự nhiên vv...."

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại, phát sinh tương đối giống nhau ở các địa phương có hoạt động du lịch phát triển: từ hạ tầng cơ sở, đến đời sống kinh tế xã hội, môi trường... Được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất, nhưng như Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu khẳng định, những khó khăn, thách thức với Đà Nẵng trong việc phát triển du lịch không hề nhỏ: nguy cơ suy giảm về môi trường sinh thái, giảm đa dạng sinh học, đánh mất chất lượng và giá trị cảnh quan đô thị, hệ thống quy hoạch không bắt kịp với sự chuyển đổi đô thị nhanh chóng và đặc biệt là thiếu sự tích hợp không gian xanh vào quy hoạch đô thị xanh, rác thải. ..

Các nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội đã góp phần chỉ ra những thực trạng cũng như đề xuất giải pháp từ tài nguyên văn hóa cho phát triển du lịch hướng tới tăng trưởng xanh. PGS TS Đỗ Thị Thanh Thủy, Viện văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Việc gìn giữ và phát huy tài nguyên văn hóa, đồng thời đưa vào khai thác, phục vụ phát triển du lịch theo định hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam hiện nay đang còn là những bước đi đầu tiên và phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặt ra các đòi hỏi cao hơn  và toàn diện hơn về mục tiêu cũng như yêu cầu đổi mới về tư duy, hành động...Tài nguyên văn hóa, với tư cách như một nguồn quan trọng của sáng tạo và đổi mới, của các giá trị đa chiều về tinh thần và vật chất, có thể đem lại những tiềm năng to lớn và hỗ trợ quá trình chuyển đổi gắn với du lịch tăng trưởng xanh, cũng như để hướng tới mục tiêu tổng thể vì một nền kinh tế và xã hội lành mạnh, xanh và công bằng hơn.” .

Như Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng khẳng định: Du lịch tăng trưởng xanh nhằm giải bài toán phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, nâng cao sinh kế, bảo tồn văn hóa.

Và việc giải bài toán này luôn đặt ra những thách thức đối với các nhà quy hoạch, các nhà quản lý./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu