Dự án 600 Phó chủ tịch xã: Thành công từ thực tiễn

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Những thành công bước đầu của Dự án được xem như bước đột phá trong công tác đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự tin tưởng vào đội ngũ tri thức trẻ tham gia quản lý trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

(VOV5) - Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 63 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án 600 Phó chủ tịch xã). Dự án đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sau khi tuyển chọn, đến tháng 10/2012, có 580 trí thức trẻ được chọn đến các xã vùng cao để làm Phó chủ tịch xã. Những thành công bước đầu của Dự án được xem như bước đột phá trong công tác đào tạo cán bộ của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự tin tưởng vào đội ngũ tri thức trẻ tham gia quản lý trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Dự án 600 Phó chủ tịch xã: Thành công từ thực tiễn - ảnh 1
Các trí thức trẻ trao đổi kinh nghiệm làm Phó Chủ tịch xã (Ảnh: vov.vn)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Cách đây hơn 1 năm, 580 đội viên là những thanh niên trẻ ưu tú trên cả nước có trình độ đại học đã được lựa chọn, đào tạo và bố trí làm Phó Chủ tịch UBND xã tại 63 huyện nghèo trên cả nước. Với nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở, bầu huyết, trí thức của tuổi trẻ, tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên, các Phó Chủ tịch xã trẻ đã nhanh chóng tiếp cận và làm quen với công việc được giao, nắm bắt cơ sở thông qua tích cực đi thực tế tại các thôn, bản, gắn bó với người dân địa phương. Chỉ hơn 1 năm nắm giữ trọng trách, tất cả các Phó Chủ tịch xã trẻ đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có tới 420 đội viên dự án hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều ý kiến và sáng kiến tham mưu của các Phó Chủ tịch xã trẻ đã  được áp dụng vào thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa. Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 trí thức trẻ về các xã khó khăn, cho biết: "Cho đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn thành tốt giai đoạn 1 với kết quả tuyển chọn là 580 đội viên về 580 xã phụ trách lĩnh vực kinh tế và văn hóa xã hội. Tất cả các đội viên đều yên tâm công tác, trong đó có rất nhiều đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có nhiều đề án được đánh giá cao. Trong đó, nổi bật có đề án phát triển du lịch ở bản Lác -Mai Châu (Hòa Bình) được ứng dụng thành công, trong đó đề cao vai trò của chính quyền đối với hoạt động quản lý du lịch ở xã. Đề án đó được UBND huyện đánh giá rất cao và quyết định chi 20 tỷ để thực hiện".

Được giao trọng trách làm Phó Chủ tịch xã khi tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm công tác chưa nhiều, nhưng với sức trẻ, sự năng động, nhiệt tình trong công tác, có trình độ chuyên môn, các Phó Chủ tịch xã trẻ tuổi đã có đóng góp đáng kể làm thay đổi diện mạo ở nhiều địa phương được phân công công tác. Theo các đội viên, khó khăn lớn nhất của họ chính là việc làm quen được với phong tục, tập quán, tiếng nói của đồng bào địa phương. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, phong tục tập quán còn lạc hậu; nhiều trí thức trẻ do yêu cầu có thể được bố trí đảm nhiệm công việc trái ngành học, nên việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn lúng túng. Đội viên Đặng Phúc Long sau hơn 1 năm làm phó Chủ tịch xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái, cho rằng: "Một trong những yêu tố thành công là phải tạo được niềm tin với nhân dân. Niềm tin đó phải được xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, sự khiêm tốn, thật thà, sự cầu thị và ham học hỏi và với tinh thần xung kích không ngại khó, ngại khổ của tri thức trẻ tình nguyện. Chúng tôi hiểu rằng mình không nên đòi hỏi gì hơn mà cần phải chia sẻ, cần phải cố gắng khắc phục rèn luyện và khẳng định mình trong khó khăn gian khổ".

Dự án tuyển chọn trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc các huyện nghèo đến nay được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Đây là bước đột phá trong công tác cán bộ nhằm tạo môi trường rèn luyện, thử thách, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ bổ sung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, là tiền đề trẻ hóa công tác quản lý nhà nước. Ông Vũ Đăng Minh cho biết thêm: "Quan trọng nhất là chúng ta có một cơ chế chính sách để các bạn đội viên phát huy và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thực tế hiện nay mặc dù mới được hơn một năm nhưng đã có nhiều bạn được xã đó, huyện đó quy hoạch bố trí vào làm nhà quản lý, nhiều xã đã có quy hoạch các bạn làm Chủ tịch xã. Giai đoạn 2 chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các bạn nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, mở lớp chuyên sâu đào tạo một lĩnh vực cụ thể phù hợp từng tỉnh, hay từng nhóm công việc phù hợp điều kiện kinh tế của từng địa phương".

Trong thời gian tới, Ban quản lý Dự án 600 trí thức trẻ về các xã khó khăn đang hướng đến 4 mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng của đề án. Đó là tăng cường nguồn nhân lực trẻ, có trình độ đại học về tham gia lãnh đạo, quản lý ở các xã khó khăn thuộc 63 huyện nghèo. Tạo môi trường, điều kiện để trí thức trẻ được khẳng định mình, cống hiến và trưởng thành. Đào tạo cán bộ từ thực tiễn toàn diện để tạo nguồn cho hệ thống chính trị ở cơ sở. Đề án hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, đào tạo, tạo nguồn và luân chuyển cán bộ. Lực lượng này sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu