Đờn ca tài tử trước cơ hội trở thành di sản văn hoá nhân loại

Nhóm phóng viên VOV1
Chia sẻ
(VOV5) - Hồ sơ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) để xét duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Trong thời gian chờ quyết định từ phía UNESCO, các cơ quan văn hóa, các nghệ nhân và cộng đồng không ngừng gìn giữ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. 
(VOV5) - Hồ sơ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) để xét duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Trong thời gian chờ quyết định từ phía UNESCO, các cơ quan văn hóa, các nghệ nhân và cộng đồng không ngừng gìn giữ, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. 

Đờn ca tài tử trước cơ hội trở thành di sản văn hoá nhân loại - ảnh 1
Đờn ca tài tử trên sông nước Nam Bộ


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Đờn ca tài tử (còn gọi là nhạc tài tử) phát triển chủ yếu tại miền Nam Việt Nam. Nền tảng của đờn ca tài tử chính là nhạc lễ (còn gọi là nhạc ngũ âm), một loại nhạc được phát triển vào thế kỷ thứ 17, là một sản phẩm độc đáo vừa là sự nối tiếp, kế thừa của nền âm nhạc truyền thống 2 miền Bắc và Trung bộ, thể hiện được tính cách phóng khoáng, sáng tạo của cư dân Nam bộ. Chính điều đó đã tạo nên sức sống bất diệt của đờn ca tài tử trước những thử thách khắc nghiệt của thời gian. Ngày nay có nhiều nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học ở trong và ngoài nước sưu tầm và hệ thống hóa các bài bản của nhạc tài tử, nghiên cứu thang âm điệu thức, phương pháp ký âm… Đờn ca tài tử được xem là một trong những loại hình nghệ thuật quan trọng, tạo nên sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam. Do đó, việc Việt Nam nộp hồ sơ đề cử lên UNESCO để đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là một cách để tôn vinh giá trị của di sản Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ thông qua nhiều hình thức hoạt động tuyên truyền, quảng bá tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, qua đó quảng bá hình ảnh của các tỉnh Nam Bộ nói riêng, của đất nước nói chung. Ông Nguyễn Văn Tấn, nguyên Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: 
“Việc xây dựng hồ sơ để được UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại không chỉ là sự ghi nhận giá trị của một di sản có tính độc đáo, tầm ảnh hưởng sâu rộng, tính lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực phía Nam mà còn là điều kiện tiên quyết để bảo tồn và khai thác các giá trị của di sản này nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và văn hóa”. 

Từ nay tới tháng 11, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có kế hoạch giới thiệu, quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ đến với người dân trong cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một trong những kế hoạch hành động đã cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO. Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch giao là đơn vị chủ trì để triển khai các công tác liên quan đến lập hồ sơ đờn ca tà tử Nam bộ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: 
“Song song với quá trình khảo sát, điều tra, tổ chức hội thảo, cho tới ngày hôm nay, chúng tôi đã làm xong công tác kiểm kê, nắm tình hình hoạt động đờn ca tài tử trên đại bàn thành phố. Vừa qua, chúng tôi cho in ấn 1000 cuốn sách, 500 bộ đĩa CD, 1000 tập bài ca. Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng đang trình với Ủy ban một chế độ dành cho nghệ nhân dân gian”.

Hiện có hơn 2000 câu lạc bộ với hàng chục nghìn hội viên tham gia tại 14 trong số 21 tỉnh, thành phố có đờn ca tài tử. Cùng với đó là hơn 100 đầu tư liệu xuất bản phẩm về đờn ca tài tử. Sức sống của đờn ca tài tử vẫn đang trỗi dậy mạnh mẽ, thể hiện lòng say mê nghệ thuật của những tài tử, nghệ nhân.

Các nhà nghiên cứu và những nghệ nhân có tâm huyết với loại hình nghệ thuật này đã có những động thái tích cực như xây dựng những chính sách, chương trình hành động cụ thể để bảo tồn, phát huy nhạc tài tử. Là một trong những thành viên tham gia vào quá trình khảo sát để lập hồ sơ trình UNESCO, Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên cho rằng: 
“Bây giờ phải kích thích nhu cầu thưởng thức, tham gia sáng tạo đờn ca tài tử của người dân. Ví dụ phải có sự đầu tư của chính quyền địa phương, của chuyên ngành ở địa phương, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có những động thái hỗ trợ, giúp đỡ họ, tổ chức cho người dân  có những cuộc sinh hoạt định kỳ. Thêm nữa là phải kích thích được tinh thần sáng tạo ra những bản nhạc tài tử mới”.

Đến tháng 12 năm nay, UNESCO sẽ công bố Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Nếu đờn ca tài tử Nam bộ được công nhận, Việt Nam sẽ có 8 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Với những nỗ lực của các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và sự hưởng ứng của cộng đồng, nghệ thuật đờn ca tài tử đang được kỳ vọng nhận được sự ghi danh của UNESCO đối với loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. /.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu