Điện Biên: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từ trường học

Chia sẻ
(VOV5) - Việc lồng ghép kiến thức trong chương trình sách giáo khoa với những câu chuyện của quê hương, bản làng của 19 dân tộc đang sinh sống trên địa bản, là cách làm hay.

Đưa các làn điệu dân ca đặc trưng của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc vào giảng dạy nơi có đông học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, là cách làm sáng tạo của ngành giáo dục Điện Biên trong những năm học qua. Qua các tiết học, các em học sinh có cơ hội hiểu rõ hơn về văn hóa, truyền thống đặc trưng của đồng bào mình, góp phần gìn giữ bản sắc ngay từ trong trường học. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những làn điệu dân ca đặc trưng của nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, như: Thái, Mông, Lào… được các thầy giáo, cô giáo của Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, tìm tòi, lựa chọn giảng dạy tại các tiết học cho học sinh trong trường. Những nhạc cụ sáo, chũm chọe, phục vụ cho hoạt động này cũng do chính các giáo viên trong trường sưu tầm, để học sinh được trải nghiệm đa dạng văn hóa các dân tộc thông qua âm nhạc.
Em Đỗ Thị Kim Thư, học sinh Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam, cho biết: Các tiết học giáo dục địa phương giờ đã trở nên sinh động, hứng thú và dễ hiểu hơn thông qua các làn điệu âm nhạc: "Khi em được học những bài hát về quê hương của mình, em cảm thấy rất tự hào. Em cảm thấy yêu gia đình và ông bà, cha mẹ hơn."
Điện Biên: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từ trường học - ảnh 1Một tiết học lồng ghép làn điệu dân ca đặc trưng của học sinh Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam. Ảnh: VOV

Không chỉ có các hoạt động về âm nhạc, bản sắc văn hóa các dân tộc còn được các giáo viên lồng ghép vào các giáo án tiết học Mỹ thuật. Những bức vẽ về nét đẹp của khi lao động, sản xuất hay trang phục, điệu múa xòe của các cô gái dân tộc... đã giúp học sinh hiểu hơn về những đặc trưng của cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Điện Biên. Em Hà Thị Thanh Thảo, học sinh Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam, cho biết:      "Học chủ đề nét đẹp trong lao động em thấy chủ đề này rất gần gũi. Bức tranh em vẽ là về có một cô gái đang gành lúa trở về nhà. Ở đây, hầu hết các gia đình đều trồng lúa nên em cảm thấy gành lúa trở nên gần gũi với cuộc sống của mình."

Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam có tới 84% học sinh là con em dân tộc thiểu số. Mỗi tuần học sinh sẽ có 1 buổi mặc trang phục dân tộc, tích hợp vào các tiết học để các em có thể tìm hiểu các nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Hiện nhà trường có 5 dân tộc là dân tộc: Thái, Lào, Mông, Kinh và Khơ Mú. Các thầy cô giáo sẽ có giáo án giảng dạy cho phù hợp. Bên cạnh đó, các hoạt động phong trào, hoạt động hằng ngày cũng đưa các hình thức, như: trò chơi dân gian, các điệu múa dân tộc, múa xòe... để giúp các em hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa các dân tộc.

Điện Biên: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từ trường học - ảnh 2Cô giáo Lù Thị Yên cho biết, những tiết học giáo dục địa phương giờ đã trở nên sinh động, hứng thú và dễ hiểu hơn. Ảnh: VOV

Cô giáo Lù Thị Yên, Trường Trung học cơ sở xã Núa Ngam, cho biết: "Hiện tại, môn mỹ thuật các em được học tập, trải nghiệm nhiều hơn. Đó là định hướng nghề nghiệp có đồ họa, hội họa tranh in, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp. Các em rất hăng say với môn mỹ thuật và đã vẽ về làng nghề của chính mình. Ở Điện Biên, dân tộc Thái rất đông và nổi bật là trang phục dân tộc và các điệu múa xòe. Do đó nội dung học về dân tộc Thái thì các bạn trong lớp cũng mặc trang phục dân tộc Thái và tập trung gắn vẻ đẹp lao động vậy từ bộ trang phục này vào tiết học này, các em học rất hăng say."

Việc lồng ghép kiến thức trong chương trình sách giáo khoa với những câu chuyện của quê hương, bản làng của 19 dân tộc đang sinh sống trên địa bản, là cách làm hay giúp học sinh hiểu hơn về văn hóa các dân tộc của tỉnh Điện Biên. Từ đó, bồi đắp niềm tự hào, ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các em học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu