Chuyện về những chiến sỹ trẻ ở Trường Sa

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Trường Sa giờ đã gần hơn với đất liền bởi tình cảm của đồng bào cả nước luôn hướng về nơi đảo xa. Ở nơi đó, có những người lính trẻ với khát khao được cống hiến cho đất nước, luôn đoàn kết cùng ý chí, niềm tin son sắt quyết tâm gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(VOV5) - Quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nơi đầu sóng ngọn gió, đối mặt với bao hiểm nguy, gian khó, vậy mà ở đây, những chiến sỹ trẻ vẫn từng ngày từng giờ gắn bó với đảo, vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trong số đó, có nhiều chiến sỹ sẵn sàng gác lại việc học Đại học, viết đơn tình nguyện ra công tác nơi đảo xa.

Chuyện về những chiến sỹ trẻ ở Trường Sa - ảnh 1
Các chiến sĩ trên đảo Sơn Ca.


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Được là chiến sỹ Hải quân, được đóng quân ở quần đảo Trường Sa, là ước mơ của tôi. Đó là tâm sự của chiến sỹ Vũ Tuấn Anh, khi anh được ra nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Tuấn Anh tâm sự: Bố anh là Thượng tá Vũ Văn Cường, 17 năm công tác tại quần đảo Trường Sa, vì vậy từ bé, anh đã ước mơ sau này sẽ được đi bộ đội, được khoác trên mình bộ quân phục hải quân. Chính vì thế, Tuấn Anh quyết định bảo lưu kết quả đại học tại trường Đại học sư phạm và Đại học Nội vụ để nhập ngũ và viết đơn tình nguyện ra Trường Sa. Tuấn Anh chia sẻ: “Gia đình tôi, nhất là Bố tôi cũng muốn tôi ra công tác tại Trường Sa, rồi sau này sẽ về tiếp tục học. Ra đảo cũng là dịp để rèn luyện thêm và thực hiện con đường mà tôi đã chọn. Trước khi tôi lên đường, bố mẹ cũng động viên và dặn tôi giữ sức khỏe để làm tròn nhiệm vụ. Cảm giác của tôi rất hồi hộp khi mình đóng quân trên đảo Song Tử Tây, nơi mà bố tôi đã từng công tác. Tôi muốn gửi đến bố mẹ và gia đình ở đất liền hãy yên tâm, con sẽ cố gắng học tập, công tác tốt để hoàn thành nghĩa vụ của đất nước đã giao phó.”\

Chuyện về những chiến sỹ trẻ ở Trường Sa - ảnh 2
Vũ Tuấn Anh và hành trang ra Trường Sa.

Trên đường ra đảo Sơn Ca nhận nhiệm vụ, chiến sỹ Nguyễn Cao Nghĩa, quê ở Đồng Nai, vẫn hằng ngày ngồi bên boong tàu nắn nót viết những dòng nhật ký về sóng gió Trường Sa, về những kỷ niệm trên chuyến đi ra đảo, về những đồng đội mới quen. Nguyễn Cao Nghĩa tâm sự bìa cuốn sổ được đặt tên “Kỷ niệm Trường Sa” với mong muốn ra nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, cuốn sổ này sẽ ghi lại những ngày tháng quân ngũ đáng nhớ ấy. Nguyễn Cao Nghĩa chia sẻ: “Tôi viết nhật ký từ ngày đầu tiên nhập ngũ, ngày 9/9/2013. Từ lúc biết đọc báo, rồi xem tivi nói về quần đảo Trường Sa, tôi đã có mong ước được ra đảo… Trong 3 tháng huấn luyện, tôi cũng được nghe về những khó khăn, gian khổ ở đảo nhưng vẫn một lòng quyết tâm ra đảo vì đó là mong ước và dù khó khăn như thế nào, tôi cũng phải hoàn thành ước mơ đó, để có thể góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của đất nước.”

Những giọt nước mắt và nụ cười quyện trong vị mặn của gió biển khiến những người có mặt tại cầu tàu đảo Nam Yết đều cảm thấy xúc động khi chứng kiến cảnh hai bố con Nhà báo Trần Quỳ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, ôm chặt nhau không nói lên lời sau gần 1 năm xa cách. Ông Trần Quỳ chia sẻ Trần Hà Thái Quân là con trai duy nhất của ông, vợ mất được gần 10 năm, mình ông nuôi con ăn học đến giờ. Khi Thái Quân quyết định gác lại việc học để nhập ngũ và ra đóng quân ở đảo Nam Yết, ông hoàn toàn ủng hộ và động viên con lên đường: “Khi biết cháu ra Trường Sa đóng quân, gia đình cũng khá lo lắng nhưng được ra đây, tôi rất an tâm. Tuy Trường Sa còn nhiều khó khăn nhưng nếp sống trong quân đội đã đảm bảo sức khỏe, học tập cho cháu. Tôi hy vọng qua thử thách trên đảo Trường Sa, cháu sẽ vững vàng, trưởng thành hơn cũng như mang đến sự bình yên cho quê hương, đất nước.”

Món quà mà ông Trần Quỳ mang ra cho con chủ yếu là sách, tài liệu ôn luyện để thi Đại học. Điều này làm Thái Quân rất xúc động trước sự quan tâm và động viên rất chân tình của người cha. Thái Quân cho biết gần 1 năm ra đảo, anh luôn nhận được điện thoại động viên của cha nhưng thật sự bất ngờ và rất xúc động khi cha đã không ngại gian khổ ra tới tận đảo thăm tôi. Những cuốn sách mà cha đem ra cho anh là món quà vô giá và trong ít tháng nữa, anh sẽ ôn luyện, quyết tâm thi đậu đại học: “Tôi muốn ra Trường Sa để được rèn luyện bản thân thêm vững vàng và sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ tiếp tục học. Khi được đóng quân ở Trường Sa, tôi rất mừng, bởi lâu nay chỉ biết đến Trường Sa qua báo chí. Tuy ra đảo, cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ chiến sỹ luôn đoàn kết như anh em một nhà. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, biển đảo của Tổ quốc. Ngoài ra cũng cố gắng ôn bài để khi về đất liền sẽ tiếp tục việc học.”

Trường Sa giờ đã gần hơn với đất liền bởi tình cảm của đồng bào cả nước luôn hướng về nơi đảo xa. Ở nơi đó, có những người lính trẻ với khát khao được cống hiến cho đất nước, luôn đoàn kết cùng ý chí, niềm tin son sắt quyết tâm gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu