Chuyện nghề của hai nhà báo mang tên Núi - Sông

Hoa Hạ
Chia sẻ
(VOV5)- Chuyện nghề của hai nhà báo mà hai cái tên ghép lại thành chữ Sơn Hà – Núi Sông (cũng có nghĩa là giang sơn, Tổ quốc) của VOV miền Trung.

(VOV5)- Giải báo chí quốc gia lần thứ VIII năm 2013, đội ngũ những người làm báo thuộc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Miền Trung (VOV miền Trung) lại có niềm vui  khi 2 năm liên tiếp giành giải A thể loại báo phát thanh với loạt bài: "Lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước nhìn từ cuộc chiến giành nước ở Miền Trung" của nhóm tác giả Lê Phúc, Lê Hải Sơn và Phan Thanh Hà. Chuyện nghề của hai nhà báo mà hai cái tên ghép lại thành chữ Sơn Hà – Núi Sông (cũng có nghĩa là giang sơn, Tổ quốc) của VOV miền Trung.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Giọng nói sôi nổi cuốn hút đã trở thành thân quen với thính giả Đài TNVN qua các buổi tường thuật mấy mùa World Cup của phóng viên Hải Sơn VOV Miền Trung giờ đây thoảng chút lo âu, căng như dây đàn khi trực tiếp ghi hình những con tàu  to lớn của Trung quốc đang đâm thẳng vào tàu cá Việt Nam.

Video clip này được Hải Sơn thực hiện ngay tuần đầu tiên của tháng 5 năm nay, khi đi theo tàu cá của ngư dân để tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Còn nguyên những cảm xúc nóng hổi về tinh thần dũng cảm, mưu trí của những người ngư dân Miền Trung vươn khơi bám biển, sát cánh cùng các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam giữ vững chủ quyền biển đảo, Nhà báo Lê Hải Sơn chia sẻ: “Lúc đó tôi đang trên tàu cá của ngư dân ở vùng biển Hoàng Sa và nhìn sang những tàu cá của các ngư dân miền Trung bị tàu cá của Trung Quốc đâm va, gây nguyên hiểm. Khi một tàu nhỏ đối chọi với một tàu lớn, hung dữ và không phải là tàu của ngư dân Trung Quốc mà là tàu giả trang tàu cá để gây hấn với tàu cá Việt Nam, chúng tôi đã rất thảng thốt và hét lên, một phần cũng là sự lo lắng về tính mạng của các ngư dân khi bị các tàu Trung Quốc đâm, va. Thực sự lúc đó tôi đã chùng giọng xuống và nghẹn ngào.”

Chuyện nghề của hai nhà báo mang tên Núi - Sông - ảnh 1
Nhà báo Hải Sơn trong một lần tác nghiệp

Chuyến đi biển trên tàu cá của ngư dân lúc xuất phát chưa hẹn ngày về bến, một mình mang theo lỉnh kỉnh các loại máy: máy ghi âm, máy ảnh, camera ghi hình…nhưng lại không có mạng Internet để truyền tin bài về toà soạn, hẳn là chuyến tác nghiệp nhớ đời đối với nhà báo Lê Hải Sơn. Nhưng rồi ngay cả khi con tàu cá chưa kịp cập bến, các sản phẩm báo chí tích tụ suốt cả tuần lễ của Hải Sơn cùng với các đồng nghiệp Vinh Thông, Đình Thiệu đi trên tàu Kiểm ngư đã xuất hiện kịp thời, đầy ắp trên các phương tiện truyền thông của Đài Tiếng Nói Việt Nam gồm: Hệ phát thanh, Báo điện tử VOV.VN, Kênh truyền hình VOV…

Ở VOV Miền Trung, nếu như Hải Sơn có khả năng tác nghiệp nhanh nhậy với sở trường yêu thích và làm chủ công nghệ kỹ thuật, thì Thanh Hà lại có cách làm báo điềm đạm, sâu và chắc do nắm vững bản chất sự việc. Mỗi mùa bão lũ hàng năm hay khi có sự kiện nóng như việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…cả đội ngũ phóng viên VOV Miền Trung sẵn sàng lên đường 24/24 giờ trong ngày, như không còn tên riêng nữa. Hai năm liền họ đều đạt giải báo chí cao nhất tại Liên hoan phát thanh toàn quốc và giải báo chí Quốc gia. Ngày 21/6 năm nay, họ cùng đứng tên trong nhóm tác giả giải đạt A báo chí Quốc gia năm 2013 với tác phẩm: ”Lỗ hổng trong quản lý tài nguyên nước nhìn từ cuộc chiến giành nước ở Miền Trung”.

Kể về tác động xã hội của loạt bài phóng sự điều tra này, nhà báo Phan Thanh Hà cho biết: Trong những năm gần đây tại các tỉnh Miền Trung, việc tranh giành nguồn nước giữa thủy điện và các nhu cầu sinh hoạt khác như nước sinh hoạt, sản xuất; giữa địa phương này với địa phương khác cũng như các công trình thủy điện với địa phương diễn ra khá gay gắt, nhất là vào mùa khô. Trong quá trình đi tìm sự thật về vấn đề này, chúng tôi phát hiện ra rằng trong những nguyên nhân gây ra cuộc chiến giành nước ở miền Trung thì yếu tố tự nhiên là cái nền của hiện tượng và con người mới chính là thủ phạm của tình trạng khan hiếm nước.

Chuyện nghề của hai nhà báo mang tên Núi - Sông - ảnh 2
Nhà báo Thanh Hà trong một chuyến đi

Cùng ở độ tuổi tứ thập nhi bất hoặc (40 tuổi thì không thể nhầm lẫn), cùng làm báo ở dải đất Miền Trung nắng lắm, mưa nhiều, bão lớn…dường như những phóng viên nơi này trong tâm thức đều ý thức được giá trị của mỗi dòng thông tin sự kiện, khi họ đem đến cho thính giả, độc giả, khán giả của Đài Tiếng Nói Việt Nam ở trong nước cũng như bạn bè quốc tế những hình ảnh chân thực về mảnh đất và con người Miền Trung. 


Nói về hai đồng nghiệp của mình, nữ nhà báo Minh Hoa, người có gần 15 năm đồng hành cùng họ, cho biết: “Tôi thấy hai đồng nghiệp Hải Sơn và Thanh Hà có tinh thần trách nhiệm với công việc rất cao. Đối với Hải Sơn, anh là một trong những phóng viên đầu tiên ra vùng biển Hoàng Sa bằng tàu của ngư dân để phản ánh việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng biển thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau khi trở về, anh đã thực hiện nhiều bài viết, ảnh, thước phim quý để cung cấp cho khán thính giả cả nước. Với Thanh Hà, hai vợ chồng làm cùng cơ quan nhiều lúc bão lũ cùng đi công tác, phải gửi con về hai bên ông bà nội ngoại. Có lần do tập trung vào công việc mà anh Thanh Hà quên cả giờ đón con.”

Những phóng viên VOV Miền Trung không chỉ riêng Hải Sơn và Thanh Hà, luôn sẵn sàng có mặt để đáp ứng nhu cầu thông tin đa phương tiện của Đài Tiếng Nói Việt Nam mà thính giả, khán giả, độc giả đòi hỏi từng phút, từng giờ. Song khi thực hiện câu chuyện bếp núc nghề báo: “Chúng tôi  nói về chúng tôi” cả hai anh đều đùn đẩy như cô dâu mới về nhà chồng. Cũng dễ hiểu, bởi họ chỉ quen đi phỏng vấn chứ mấy khi được phỏng vấn đâu./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu