Chuyện học của thầy và trò trường tiểu học Na Ư, tỉnh Điện Biên

Chia sẻ
(VOV5) - Những thầy, cô ở trường tiểu học xã Na Ư đang từng ngày nỗ lực dạy chữ cho trẻ em vùng biên này.
(VOV5) - Những thầy, cô ở trường tiểu học xã Na Ư đang từng ngày nỗ lực dạy chữ cho trẻ em vùng biên này.

Ở xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nhiều trẻ em đang phải sống trong hoàn cảnh rất khó khăn thiếu ăn, thiếu mặc. Bởi vậy, chuyện học của trẻ em ở đây là vô vàn gian nan. Những thầy, cô ở trường tiểu học xã Na Ư đang từng ngày nỗ lực dạy chữ cho trẻ em vùng biên này. 


Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trường tiểu học xã Na Ư khang trang nằm ngay trung tâm xã những ngày này rộn rã tiếng cười nói của các em học sinh trong ngày tựu trường. Những cô bé, cậu bé người Mông phấn khởi khoác trên mình bộ đồng phục học sinh mới. Nhìn những gương mặt trẻ thơ khôi ngô, xinh xắn mà ít người biết được trong số đó có nhiều em hoàn cảnh rất thương tâm.

Chuyện học của thầy và trò trường tiểu học Na Ư, tỉnh Điện Biên - ảnh 1
Bản Na Ư nhìn từ trên núi - Ảnh: Hoàng Điệp

Cô bé Hạ Thị Sía, mặc dù đã học lớp 5 nhưng lọt thỏm trong đám bạn đồng trang lứa với thân hình gầy gò, nhỏ nhắn, luôn khép mình khi thấy người lạ. Do hoàn cảnh gia đình đặc biệt nên các thầy cô đã đón hai chị em Sía về trường ở bán trú, đến cuối tuần lại về với mẹ. Bây giờ, trường tiểu học Na Ư đã trở thành ngôi nhà thứ hai của em. Sía chia sẻ: “Ở trường, con rất vui vì có bạn bè, con được học cả ngoại ngữ và tin học nữa. Ở đây, con coi thầy cô như bố mẹ và thầy cô cũng coi con như con của thầy cô.”   Để trong ngày tựu trường có đông đủ sỹ số học sinh, các thầy, cô giáo trường tiểu học xã Na Ư đã phải đến từng gia đình để vận động cha mẹ cũng như động viên các em đến lớp bởi đồng bào dân tộc Mông ở đây vẫn còn chưa coi trọng việc học chữ. Với họ, những đứa trẻ lên 7, lên 8 tuổi đã có thể giúp bố mẹ trông em, lên nương tra hạt, rẫy cỏ. Thế nên, chuyện các cô giáo buổi sáng sớm phải đến tận bản đón học sinh đến lớp học chữ, hết giờ lại đèo các em về nhà để giúp bố, mẹ trông em, nấu cơm là bình thường. Cô giáo Nguyễn Thị Đào, 13 năm dạy tại trường Tiểu học Na Ư, chia sẻ: ngoài các giờ học trên lớp, các thầy cô giáo còn đóng vai trò là cha, là mẹ của các em. Đặc biệt với các em học sinh bán trú, thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy cho các em những sinh hoạt cá nhân như cách đánh răng, rửa mặt, giặt quần áo, giúp các em hoà nhập với cuộc sống tập thể. Để những đứa trẻ người Mông khi vào bữa ăn biết đứng lên mời cơm các thầy cô giáo, bạn bè, rồi tự phân công nhau đi lấy cơm, thức ăn và dọn dẹp cũng là cả một quá trình.  Cô Nguyễn Thị Đào cho biết: “Mới đầu các em đến đây rất bỡ ngỡ, không biết làm gì. Các thầy, cô giáo phải hướng dẫn các em từ cách rửa tay, tắm giặt, gội đầu. Các em lớp 1 thì cô giáo phải làm cho hết, các em lớp 2, lớp 3 trở lên thì được hướng dẫn tự làm. Đến lớp 4, lớp 5 thì các em tự làm được hết, biết tắm giặt, thay quần áo, phơi quần áo rất quy củ.”


Chuyện học của thầy và trò trường tiểu học Na Ư, tỉnh Điện Biên - ảnh 2
Học sinh Trường tiểu học bán trú Na Ư - Ảnh: Hoàng Điệp


Trường tiểu học xã Na Ư hiện có 13 lớp với gần 240 học sinh. Trong đó, khu nhà chính 2 tầng gồm 16 phòng học khá rộng rãi, hệ thống bàn ghế, đồ dùng học tập cũng được trang bị khá đầy đủ. Trong khuôn viên của trường còn được bố trí xích đu, cầu trượt sơn đủ màu sắc phục vụ học sinh vào giờ ra chơi. Cơ sở vật chất khang trang là vậy nhưng để dạy chữ cho học sinh nơi đây là bài toán không đơn giản. Các thầy cô giáo của trường còn phải kiên trì, nhẫn nại học tiếng dân tộc, vượt qua rào cản về ngôn ngữ; đồng thời, tăng cường các tiết học dạy tiếng phổ thông cho học sinh hàng ngày hoặc vào dịp hè và ngày nghỉ. Những ngày đầu bỡ ngỡ, vốn từ phổ thông của các em còn ít, việc trao đổi, giao tiếp giữa thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự cố gắng của cả thầy và trò, dần dần các em học sinh đã tự tin hơn rất nhiều để đạt kết quả tốt trong học tập. Thầy giáo Vũ Ngọc Quang, hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Na Ư, cho biết: Nhà trường cũng tìm hiểu hoàn cảnh từng em và phân công thầy cô giúp đỡ từng em một, rồi quyên góp mua quần áo cho các em có hoàn cảnh quá khó khăn. Những vấn đề đó nhà trường cũng đã có kế hoạch chuẩn bị từ năm trước nên đến nay chúng tôi đã vượt qua ngay từ đầu năm học.


 Hầu hết các cô bé, cậu bé người Mông ở Na Ư đều mơ ước lớn lên sẽ là cô giáo để dạy chữ, là bác sỹ để chữa bệnh cho dân bản. Các thầy, cô giáo ở trường tiểu học Na Ư đang từng ngày nỗ lực vun trồng để những ước mơ của trẻ em vùng biên giới này trở thành hiện thực./.



Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu