Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) -  Tính đến nay, Việt Nam đã giải quyết chính sách cho khoảng 300.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
(VOV5) -  Tính đến nay, Việt Nam đã giải quyết chính sách cho khoảng 300.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.


Ngay từ khi còn chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo quân đội và hệ thống y tế có biện pháp chữa trị cho những người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có chất da cam/dioxin. Sau khi đất nước thống nhất tháng 4/1975, Nhà nước đã ban hành và luôn bổ sung, hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ nạn nhân về sản xuất, y tế, giáo dục, phục hồi chức năng... nhằm giúp nạn nhân da cam/dioxin vươn lên trong cuộc sống.


Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam - ảnh 1
Một gia đình có tới 3 thế hệ bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Ảnh: sggp.org.vn


Nghe âm thanh bài viết tại đây:




Tính đến nay, Việt Nam đã giải quyết chính sách cho khoảng 300.000 người tham gia hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Có khoảng 30% số nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin được mua thẻ bảo hiểm y tế. Khoảng 20 - 25% trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng chương trình chăm sóc phục hồi chức năng.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân đội 103, Bệnh viện Quân đội 103 là một trong những đơn vị tiên phong tham gia hỗ trợ cho nạn nhân da cam/dioxin. Những năm gần đây, bệnh viện đã triển khai phương pháp giải độc đặc hiệu cho nạn nhân da cam/dioxin theo phương pháp Hubbard (phương pháp tẩy độc cơ thể) của thế giới. Tuy nhiên điều trị theo phương pháp Hubbard, chi phí cho mỗi bệnh nhân là 13 đến 15 triệu đồng. Trăn trở về điều này, ông Hoàng Mạnh An cùng các đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu sâu, tìm những bài thuốc y học cổ truyền để điều trị cho các nạn nhân. Phó giáo sư Hoàng Mạnh An cho biết: “Với phương pháp này chúng tôi thực hiện một liệu trình 4 tuần cho các nạn nhân tham gia và kết quả là cũng tương đương với phương pháp Hubbard. Đây là cơ hội lớn cho các nạn nhân vì giá thì chỉ bằng một nửa thậm chí bằng 1/3 so với phương pháp Hubbard. Chúng tôi tự tin chỉ cần làm đúng phương pháp của chúng tôi là giải quyết được và tăng cường sức khỏe cho nạn nhân da cam/dioxin”.

Song hành với việc chăm sóc sức khỏe, y tế cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, thì việc nuôi dạy trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin cũng được cộng đồng quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Ông Nguyễn Văn Cường, quản lý trung tâm trung tâm nuôi dạy trẻ em nhiễm chất đọc da cam tại Lâm Đồng, cho biết: “Qua 3 năm hoạt động, trung tâm đã đón nhận hơn 40 em về nuôi dạy, trong đó có em đã hoàn thành khóa học và về lại với gia đình hoặc có em đã theo gia đình chuyển đến nơi ở khác, số còn lại trung tâm giải quyết việc làm tại chỗ cho các em. Có 13 em đều bị thiểu năng trí tuệ, do vậy trung tâm chủ yếu dạy các em biết viết, biết đọc sau này hòa nhập với cộng đồng”.

Hỗ trợ nạn nhân da cam/dioxin còn bao gồm cả việc dạy nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho nạn nhân. Ông Lê Quốc Bảo, Chủ tịch Hội Nạn nhân nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Tập trung nhất của chúng tôi là rà soát, điều tra, phân loại nạn nhân để làm sao các nạn nhân đều được sự quan tâm. Các chương trình mà chúng tôi lo là hỗ trợ học bỗng, việc làm cũng như tài chính để các nạn nhân có điều kiện vượt khó vươn lên như: nuôi bò, nuôi dê, buôn bán nhỏ… Hai nữa là hỗ trợ các cháu nạn nhân có điều kiện đi học nghề. Chúng tôi phối hợp với các Hội Việt kiều ở Pháp và một số ngành để lo cho các cháu”. 

Kể từ khi Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thành lập năm 2004, đến nay tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố, trong đó nhiều tỉnh thành đã có 100% số huyện/quận, xã/phường có tổ chức hội với gần 360.000 hội viên là các nạn nhân và cựu chiến binh, tình nguyện làm công tác hội, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam/dioxin khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Trong 5 năm (2011 - 2016), toàn Hội vận động được 1115 tỷ đồng. Số tiền trên dùng để hỗ trợ các nhu cầu cấp bách của nạn nhân, như xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng ở tỉnh, thành,đào tạo nghề cho gần 500 nạn nhân, xây mới và sửa chữa  gần 1.600 căn nhà, cấp thuốc miễn phí cho 78.000 lượt… Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội nhạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, cho biết bà hạnh phúc nhất là khi đem lại hạnh phúc cho các nạn nhân da cam/ dioxin: “Tôi hay gọi Hội da cam/dioxin của mình như taxi, gọi đâu có đó. Chúng tôi không có ngày chủ nhật, mọi cán bộ có việc hô đâu là chạy. Mình giúp được cho những nạn nhân vơi đi được phần nào nỗi đau về thể xác về tinh thần của họ là hạnh phúc của cán bộ Hội”.

Chung sức, chung lòng chăm lo cho các nạn nhân da cam/dioxin là cách mà chính phủ và nhân dân Việt Nam đang làm để xoa dịu nỗi đau da cam/dioxin.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu