Chợ nổi Nam Bộ giữa Thủ đô Hà Nội

Bùi Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Đến với Chợ nổi Nam Bộ, có thể trải nghiệm đầy đủ không khí của một chợ nổi miền Tây nhộn nhịp với ghe, thuyền cùng những câu hò, điệu lý, ca cổ.

(VOV5) - Lần đầu tiên, Chợ nổi Nam Bộ, một nét văn hóa độc đáo của người dân vùng sông nước miền Tây, được tái hiện sinh động ở làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là hoạt động nổi bật trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra từ ngày 20-24/11. Đến với Chợ nổi Nam Bộ, có thể trải nghiệm đầy đủ không khí của một chợ nổi miền Tây nhộn nhịp với ghe, thuyền cùng những câu hò, điệu lý, ca cổ.

Chợ nổi Nam Bộ giữa Thủ đô Hà Nội - ảnh 1

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Từ xa đã nghe văng vẳng tiếng đờn ca tài tử và khi nhìn thấy ghe xuồng tấp nập, du khách thực sự được trải nghiệm không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ. Nhiều loại trái cây theo mùa như: nhãn, chôm chôm, sầu riêng, xoài cát được bày bán ở đây... Ngoài việc mãn nhãn và có thể mua nhiều loại nông sản, khách đi chợ còn có thể dùng điểm tâm với các món: bánh canh, bánh tầm, bánh bò, hủ tiếu, chè đậu đỏ, cà phê...do các cô gái chèo xuồng phục vụ tận nơi.

Để có được một không gian chợ nổi như vậy, Ban tổ chức phiên chợ nổi phải trải qua một quá trình chuẩn bị công phu, vất vả. Ông Nhâm Hùng, đạo diễn, tác giả của chợ nổi Nam Bộ, cho biết: “Sau khi đóng xong 25 chiếc ghe xuồng thì chúng tôi phải vận chuyển bằng container từ Cần Thơ ra Hà Nội. Mỗi chiếc nặng từ 1 tấn đến 15 tấn. Bên cạnh đó, chúng tôi phải huy động các chủng loại trái cây đặc sản, đặc trưng của phương Nam như vú sữa, xoài, bưởi năm roi, đặc biệt là dâu Hạ Châu, một đặc sản của Cần Thơ. Chúng tôi cố hết sức để mang ra Hà Nội mặc dù chi phí vận chuyển rất lớn, phải vận chuyển bằng máy bay. Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu một nét ẩm thực độc đáo trong đó có bánh tét lá cẩm Cần Thơ. Chúng tôi trình diễn làm bánh chuối chiên và nấu chè trên chợ nổi để phục vụ du khách. Chúng tôi cũng tái hiện đờn ca tài tử với lực lượng gồm 9 nghệ nhân đờn và ca”.

Chợ nổi Nam Bộ giữa Thủ đô Hà Nội - ảnh 2

Khách du lịch tham gia hoạt động mua bán sẽ được ban tổ chức bố trí ghe, xuồng vận chuyển, có thể dạo quanh chợ nổi, mua các loại bánh, trái cây, thưởng thức các đặc sản Nam Bộ trong sự bồng bềnh của sông nước. Đặc biệt, nếu thích, du khách còn có thể cùng ngồi vào chiếu đờn ca tài tử, hát vài câu vọng cổ đặc trưng của đất phương Nam. Anh Nguyễn Hoàng Hải, Quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ, người chèo xuồng trên chợ nổi, chia sẻ: “Được tham gia chương trình này, tôi thấy rất vui khi mang những nét văn hóa đặc sắc của quê hương mình đến với người dân miền Bắc. Tôi đưa du khách đi thăm quan chợ nổi, giúp họ hiểu thêm những phong tục tập quán trên chợ nổi”.


Giống như anh Hùng, chị Trần Nhã Trân, được mang nét văn hóa độc đáo của quê hương mình ra giới thiệu với người dân Hà Nội là một niềm vinh dự. Chị Trân chia sẻ: “Việc bán hàng hóa, tạp hóa, hoa quả đặc biệt là đờn ca tài tử trên sông là đặc trưng của quê tôi. Trong không gian chợ nổi, ngoài các hoạt động buôn bán hoa quả, đồ ăn, thức uống…còn có đờn ca tài tử để mọi người giao lưu với nhau. Tôi rất tự hào khi được là đại diện cho tỉnh Cần Thơ đi tái hiện lại chợ nổi cho mọi người biết về quê hương mình”.

Chợ nổi Nam Bộ giữa Thủ đô Hà Nội - ảnh 3

Bày gì bán nấy, nói sao bán vậy, đó là đặc trưng của thương nhân miền Tây Nam Bộ. Không có thách giá và cũng không có chuyện trả giá cò kè bớt một thêm hai. Đó là những điều thú vị đặc trưng không ở đâu có của chợ nổi Nam bộ mà du khách có thể thấy trong lần tái hiện chợ nổi ngay giữa lòng thủ đô. Trên mỗi thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán. Cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết trên thuyền, ghe đó có thứ mình cần hay không. Đây là một hình thức văn hóa tiếp thị chỉ có ở chợ nổi Nam Bộ. Phấn khởi khi được tham gia phiên chợ độc đáo này, Nguyễn Thị Duyên, một bạn trẻ ở Gia Lâm, Hà Nội, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với chợ nổi Nam Bộ. Vì đây là lần đầu tiên chợ nổi Nam Bộ được tái hiện nên tôi rất háo hức, đến đây để xem việc buôn bán và mua đồ trên thuyền như thế nào. Tôi nghe nói đi chợ nổi không phải mặc cả, trả giá nên tôi rất tò mò muốn đến và tham gia”.


Chợ nổi Nam Bộ giữa Thủ đô Hà Nội - ảnh 4

Chợ nổi Nam Bộ không chỉ thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ mà còn cả những người lớn tuổi muốn được vừa hòa mình trong tiếng mái chèo êm ái, nhẹ nhàng, chầm chậm với những điệu hò sông nước, cùng vài câu vọng cổ trữ tình của vùng Nam Bộ vừa thưởng thức những loại cây trái cây đặc trưng nơi đây. Ông Nguyễn Văn Đài, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi thấy chợ nổi Nam Bộ được tái hiện lại như thế này rất đẹp. Tôi rất phấn khởi khi được đến với chợ nổi Nam Bộ. Tuy đã nhiều tuổi nhưng tôi vẫn thấy hào hứng. Tôi mong muốn hàng năm đều có tái hiện lại chợ nổi như thế này”.


Chợ nổi Nam Bộ giữa Thủ đô Hà Nội - ảnh 5


Việc tái hiện và mang lại một không gian văn hóa đặc trưng Nam Bộ tới Thủ đô Hà Nội nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung giúp du khách có thêm cái nhìn đa dạng, phong phú hơn về văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ông Nhâm Hùng cho biết thêm: “Chúng tôi cảm thấy rất thú vị khi bà con nồng nhiệt đón nhận chợ nổi. Chúng tôi cũng mong muốn cứ đến hẹn lại lên, một năm ít nhất một lần có tái hiện không gian hoạt động văn hóa chợ nổi. Chúng tôi rút kinh nghịêm lần này, lần sau sẽ có những điều chỉnh, gia tăng số lượng phương tiện, hàng hóa đồng thời nâng chất lượng, nội dung của chợ nổi hơn nữa để đáp ứng lòng mong mỏi của bà con”.

Chợ nổi Nam Bộ giữa lòng Thủ đô Hà Nội mang đến cho khách tham quan nhiều trải nghiệm mới mẻ, thú vị về những nét văn hóa Nam Bộ đặc sắc, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của Việt Nam./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu