Sinh thời, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, “Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc”.
Những lời căn dặn này được chính quyền và nhân dân các dân tộc Tây Bắc hiện thực hóa bằng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nhằm tạo sức mạnh nội sinh để phát triển.
Ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, tại các bản làng, còn rất nhiều bậc cao niên am hiểu sâu về các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái, từ chữ viết đến dân ca, dân vũ, nhạc cụ, ẩm thực, các trò chơi dân gian truyền thống... Họ dành nhiều công sức để lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ tiếp theo với mong muốn các nét văn hoá ấy mãi trường tồn.
Nghệ nhân Lò Văn Biến. Ảnh: VOV |
Năm nay hơn 90 tuổi nhưng Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, dân tộc Thái ở bản Cang Nà, phường Trung Tâm, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, hằng ngày vẫn hăng say truyền dạy chữ Thái cổ và các điệu xoè cổ của người Thái cho cán bộ và người dân địa phương. Ông Lò Văn Biến cho biết trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng và đề cao vai trò của văn hoá.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất”. Thấm nhuần tư tưởng đó, cộng với tình yêu, niềm tự hào về các nét đẹp văn hoá dân tộc mình, ông đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, truyền bá, phục dựng các nét đẹp văn hóa Thái.
Truyền dạy văn hoá cho thế hệ trẻ ở Nghĩa Lộ. Ảnh: VOV |
Ông Lò Văn Biến chia sẻ: "Đã người Thái thì mọi người phải biết dân tộc mình có những điều đặc sắc gì. Những người già, những người biết thì nên truyền lại để mọi người thấy mà học tập.
Em Lường Thị Hằng, bản Đêu 2, xã Nghĩa An, Thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: "Nghệ thuật xòe cũng như tất cả các điệu dân vũ khác khi thể hiện không chỉ bằng động tác mà phải bằng cả tâm hồn, nên ngoài việc thường xuyên tập luyện thì chúng em cũng lắng nghe các nghệ nhân, các bà, các mẹ để hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình."
Không chỉ tại Thị xã Nghĩa Lộ mà tại các bản du lịch cộng đồng ở 6 tỉnh Tây Bắc: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn nghệ. Đây vừa là hoạt động kết nối, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong mỗi cuộc gặp mặt, giao lưu, vừa là việc làm thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.
Chị Lò Thị Hương, Đội trưởng Đội văn nghệ bản Him Lam 2, phường Him Lam, Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Anh chị em trong đội văn nghệ nói chung rất phấn khởi. Cùng nhau tự dàn dựng, tự tập với nhau, làm sao để ác tiết mục đa sắc màu, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến tham quan, cũng như quảng bá, giới thiệu văn hoá đặc sắc của Điện Biên."
Chị em đội văn nghệ ở bản Him Lam 2, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ luyện tập văn nghệ. Ảnh: VOV |
Tại Sơn La, trong lần lên thăm năm 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn chính quyền và người dân nơi đây cần chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá bằng các phong trào, việc làm thiết thực, cụ thể. Triển khai lời căn dặn này, tại xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La, một địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương đã ban hành tới 10/77 chủ trương về lĩnh vực văn hoá; mỗi năm tổ chức xã hội hóa trong nhân dân hơn 200 triệu đồng (40.000 USD), góp phần gìn giữ và phát huy phong trào, đảm bảo các thiết chế văn hoá, khích lệ, động viên bà con.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng uỷ xã Ngọc Chiến, cho biết: "Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng đã trở thành “món ăn tinh thần”, là hoạt động đặc biệt quan trọng trong gìn giữ bản sắc, gìn giữ truyền thống dân tộc của Ngọc Chiến. Nền tảng văn hóa đang trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng biệt, độc đáo phục vụ du khách trong nước và quốc tế, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân xã nhà."
Hiện mỗi năm, Sơn La đều dành nguồn vốn hỗ trợ cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng ở cơ sở. Bà Quàng Thị Xuyến, Trưởng Ban Văn hoá – Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La, cho biết: "Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành 05 nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ phát triển văn hoá dân tộc được lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng giao các Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ đối với việc phân bổ, giải ngân kinh phí hỗ trợ đối với các nghị quyến liên quan đến văn hoá."
“Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa, các địa phương trong khu vực Tây Bắc đã, đang tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Từ đó, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển nhanh và bền vững