Lý Sơn còn được mệnh danh là hòn đảo thiên đường, đảo tình yêu với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ… |
10 miệng núi lửa cổ quí hiếm niên đại 9-11 triệu năm ở Lý Sơn
Ở vào vị thế tương tác giữa lục địa và đại dương cùng những biến động lớn trong vận động của biển Đông trong hơn 10 triệu năm gần đây, Lý Sơn sở hữu phong phú và đa dạng các điểm và cụm di sản.
Các nhà khoa học vừa công bố những khảo sát của mình, theo đó riêng tại Lý Sơn có đến 10 miệng núi lửa cổ (7 lộ thiên và 3 chìm dưới biển).
Toàn cảnh Lý Sơn nhìn từ đảo Bé. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà |
“Tại đây chúng ta có thể bắt gặp tới gần 10 loại hình di sản địa chất-địa mạo-một nguồn tài nguyên rất phong phú và hẫp dẫn cho du lịch. Trên đảo chúng ta có thể chiêm ngưỡng các miệng núi lửa kỳ vĩ và lạ mắt, các vách đá trầm tích núi lửa sừng sững hiếm gặp bị sụt gẫy kiến tạo, các vách đá núi lửa mầu sắc ấn tượng bị vỡ mảnh, các thềm đá thoải hiền lành ven biển, các hang đá mài mòn làm nơi thờ tự, trú ấn, các ghềnh đá, cá bãi biển cát và thềm đá làm nơi nghỉ dưỡng” - PGS.TS Vũ Cao Minh, Viện Địa Chất - Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết.
Miệng núi lửa Thới Lới. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà |
Tính chất các miệng núi lửa ở Lý Sơn khá đa dạng. Các miệng núi lửa lớn (Thới Lới, Ghềnh Sỏi, Giếng Tiền, Hòn Đụn) là núi lửa phun nổ - nơi dung nham ở dạng đá mảnh, tro bụi, khí bị bắn tung vào khí quyển hàng kilomet. Các núi nhỏ hơn (Hòn Tai, Hòn Vung) là núi lửa phun nghẹn – nơi dung nham ở chứa ít khí, có độ dính cao chỉ kịp trồi lên thành núi và đông nguội, thải khí ra xung quanh.
Các miệng núi lửa thường là nơi hấp dẫn du khách. Bên cạnh việc chiêm ngưỡng làm quen với một cấu tạo địa chất lạ, đây cũng là điểm cao để du khách có thể quan sát xung quanh, ấn tượng với cảnh đẹp của đảo, tận hưởng không gian bao la của biển cả. Miệng núi lửa Thới Lới cao 149m, Giếng Sói cao 106m, Giếng Tiền cao 86m đều là những “đài quan sát” lý tưởng.
Miệng núi lửa ngầm với thảm san hô còn nguyên vẹn cũng là những điểm gợi cảm giác háo hức cho du khách thích khám phá lặn biển. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà |
Bên cạnh các miệng núi lửa là các vách đá đẹp lạ thường, chứa đựng trong nó cả một trang sử sống động của khu vực biển đảo trải hơn 10 triệu năm tới nay. Đó là các vách đá ở Hang Câu, Chùa Hang, Giếng Tiền. Kiến tạo địa chất đã tạo cho các vách kích cỡ lớn, dài hàng trăm mét, cạo dựng đứng, tạo cảm giác choáng ngợp, hùng vĩ. Các hang đá núi lửa rộng và tương đối sâu cũng là điểm đến hẫp dẫn nơi đây.
PGS.TS Vũ Cao Minh đề xuất xây dựng Lý Sơn là huyện đảo độc đáo, kỳ thú về du lịch núi lửa biển; quy hoạch và xây dựng kiến trúc công trình lấy cảm hứng từ núi lửa; gắn với quy định độ lớn và chiều cao công trình nhằm bảo tồn di sản dễ tổn thương, khôi phục cảnh quan và di sản địa chất đã bị xâm hại.
Những núi đá là trầm tích núi lửa hàng triệu năm mang lại cảnh quan vô cùng độc đáo cho Lý Sơn. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà |
Độc đáo di sản địa văn hóa
Trên đảo Lý Sơn còn có loại hình di sản hỗn hợp – di sản địa văn hóa. Đó là Chùa Hang và các ruộng bậc thang xếp bằng đá núi lửa.
Chùa Hang. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà |
Chùa Hang được khởi dựng trong khung cảnh một hang đá núi lửa do nước biển bào mòn. Hang rộng và sâu hơn 20m, cao trên 3m. Hang có địa thể đẹp, cao hơn mực nước biển 2-3m, xung quanh là các vách đá được nước biển cổ “trạm trổ” với nhiều hình thù đẹp. Đây là di sản có ý nghĩa cả về tự nhiên và văn hóa phản ánh sự hiện diện, lao động và tín ngưỡng của cư dân trên đảo và rộng ra là của biển đảo miền Trung Việt Nam.
Ruộng bậc thang xếp bằng đá núi lửa là kiệt tác lao động. Ở đảo Bé có các bờ đá cao tới trên 2m, với các tảng đá lớn tới 0,5-0,7m, được xếp ngay ngắn, uốn lượn theo địa hình tự nhiên, tạo nên các thửa ruồng hành, tỏi trông rất thân thiện và đáng khâm phục về sự cần cù của người dân nơi đây.
Ruộng bậc thang được người lao động xếp bằng đá núi lửa để trồng hành, tỏi. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà |
Nhìn nhận về tiềm năng phát triển du lịch địa phương này, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Lý Sơn là nơi lưu giữ nhiều bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Dòng chảy lịch sử lưu truyền, hòa quyện bản sắc riêng có của các tộc người nối tiếp nhau cộng cư trên mảnh đất này. Hoạt động phun trào núi lửa đã tạo nên hình thế Lý Sơn độc đáo với thềm địa chất hàng triệu năm.
Hiện Quảng Ngãi đã mời chuyên gia giúp hoàn thành hồ sơ kiến nghị UNESCO công nhận Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận thành công viên địa chất toàn cầu. Ông Dũng cho rằng hội thảo “Phát triển du lịch Lý Sơn” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm cụ thể hóa các giải pháp phù hợp với đặc thù cho hoạt động du lịch Lý Sơn./.
Một cặp vợ chồng làm đất chuẩn bị trồng tỏi bên sườn núi lửa cổ. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà |