Bánh mì cho những người thợ mỏ

Lan Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Có một loại bánh mì đã đồng hành cùng nhịp sống của những người dân đất Mỏ, trở thành một sản phẩm đặc trưng mà chỉ ở vùng mỏ than tỉnh Quảng Ninh mới có. 

(VOV5) - Có một loại bánh mì đã đồng hành cùng nhịp sống của những người dân đất Mỏ, trở thành một sản phẩm đặc trưng mà chỉ ở vùng mỏ than tỉnh Quảng Ninh mới có. 


Bánh mì cho những người thợ mỏ - ảnh 1
Sản xuất bánh mì phục vụ thợ mỏ


Bánh mì làm ra không phải để bán mà là để phục vụ những người thợ mỏ. Chính vì vậy, người ta đặt cho nó cái tên giản dị mà vô cùng thân thương, “bánh mì mỏ của người dân đất mỏ”. Nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam có bài viết: Bành mì cho những người thợ mỏ.


Nghe nội dung bài viết tại đây:


Đến thăm mỏ than Hà Lầm, một trong những địa điểm khai thác than lớn và lâu đời nhất ở tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi theo chân các anh thợ lò và cán bộ mỏ tới khu làm ra những chiếc bánh mì. Giữa miền đất toàn than đen, lò bánh mì được sắp xếp ngăn nắp và sạch sẽ. Cả căn phòng ngào ngạt mùi thơm của bột, mùi thơm của những chiếc bánh mì mới ra lò còn nóng hổi. Ở lò bánh mì này có 6 người thợ làm bánh. Các chị chia làm 3 ca làm việc liên tục trong ngày nên lò bánh lúc nào cũng được hoạt động hết công suất để có thể đáp ứng 2.000 chiếc bánh mì trong 24 giờ, phục vụ những xuất ăn cho hàng nghìn công nhân. Từng công đoạn trong quá trình chế biến làm ra một chiếc bánh mì mỏ được thực hiện chuyên nghiệp và thuần thục. Chị Nguyễn Thị Thuận, tổ trưởng tổ chế biến bánh mì, mỏ than Hà Lầm, cho biết: "Những người thợ làm bánh ở đây luôn đặt cái tâm của mình vào làm từng chiếc bánh. Coi việc phục vụ bữa ăn cho anh em công nhân cũng như phục vụ những người thân của mình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ các chất dinh dưỡng để các anh em thợ mỏ vào ca có đầy đủ sức khỏe, phục vụ sản xuất".

Để làm ra được một chiếc bánh mì, phải trải qua quá trình chế biến thật tỉ mỉ ngay từ những bước đầu tiên như chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo, trộn bột sao cho đúng tỷ lệ công thức. Loại bột được tin dùng tại đây là bột cao cấp Bông Hồng Xanh được trộn với đường, trứng, bột nở và muối hòa cùng nước theo một tỷ lệ nhất định. Công đoạn nhào bột được bàn tay của các chị là thợ làm bánh nhào nặn vô cùng kĩ lưỡng và tỉ mỉ, làm sao phải nhào được thứ bột có đủ độ bóng, đẹp và dẻo thì mới được cho vào máy ủ. Từng chiếc bánh sau khi được vê thành hình, lần lượt được xếp ngay ngắn vào khay rồi cho vào máy ủ lên men. Những khay bánh sau khi được đưa vào lò nướng thì thành quả cuối cùng sẽ là những chiếc bánh mì mùi thơm ngào ngạt, vàng óng màu mật ong. Vừa cho bánh vào lò nướng, chị Thuận vừa chia sẻ: "Muốn được một cái bánh ngon và đẹp thì công đoạn nháo bột là quan trọng nhất, khi cái công đoạn nháo bột mình làm nó cẩn thận, nháo mà bột đẹp, không được nháo rối, nếu mà nháo rối là bột bánh không được mịn, đẹp. Khi mà nháo bột đẹp thì đưa lên vê thành chiếc bánh và đưa vào lò thì bánh sẽ đẹp và ngon hơn".

Bánh mì cho những người thợ mỏ - ảnh 2

Được gọi với cái tên bánh mì mỏ, bởi đây là sản phẩm do chính tay những người thợ mỏ làm ra. Mỗi người thợ khi xuống lò sẽ nhận 1 suất ăn giữa ca gồm 1 chiếc bánh mỳ và 2 hộp sữa. "Bánh mì mỏ" chẳng những giúp người thợ ở độ sâu hàng trăm mét dưới lòng đất thêm phần chắc dạ mà còn làm cho họ thấy thêm ấm lòng ở tận nơi sâu của hầm lò lạnh và tối. Bánh mì mỏ không chỉ đơn thuần là thứ năng lượng giữa giờ của người thợ mỏ,  nó còn chất chứa cả tình người. Chị Trần Thị Bích Hồng, quản đốc phân xưởng 16 của công ty than Hà Lầm, cho biết để làm ra những chiếc bánh mỳ mỏ có vỏ ngoài giòn rụm nhưng ruột bánh bên trong thì mềm mịn,  đặc ruột, ăn ngọt và ngậy như thế, các công đoạn sản xuất bánh mỳ của công ty hầu hết đều đã được "cơ giới hóa" để tiết kiệm sức người, đồng thời tăng năng suất cũng như độ đồng đều của mỗi chiếc bánh. Nhờ vậy, mỗi ngày, bất kể giờ nào, người thợ lò luôn được thưởng thức những chiếc bánh chất lượng và thơm ngon nhất: "Từ khi tổ chức sản xuất, chúng tôi đã làm bánh mì để đưa vào lò phục vụ công nhân ăn giữa ca, để đưa vào lò. Còn trước đây, trước năm 2008, thì chúng tôi dùng công nghệ nướng bằng lò than, sau 2008 chúng tôi đầu tư công nghệ nướng bánh bằng điện thì chị em làm việc đỡ vất vả hơn, kết cấu và chất lượng bánh cũng nâng lên rất nhiều".

Sau giờ làm mệt nhọc, cầm trong tay những chiếc bánh mỳ mỏ, những người thợ thư thái vừa thưởng thức món đồ ăn quen thuộc hàng ngày, chậm rãi chia sẻ với nhau những câu chuyện đời thường. Với nhiều người con Quảng Ninh khi đi xa đất mỏ, đâu đó trong kí ức và tâm hồn đã chẳng thể nào quên thứ mùi của bánh mì mỏ thơm phức, quyện lẫn đâu đó công sức của người thân trọn đời gắn với vùng than Đông Bắc Tổ quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu