Ấn tượng những không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Ngọc Xuân
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2.900 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, khu chung cư...

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2035. Hoạt động này đã và đang được triển khai mạnh mẽ tại các cơ quan, đơn vị, khu phố, trường học, cơ sở tôn giáo… trên địa bàn thành phố, tạo bản sắc văn hóa riêng trong quá trình phát triển thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ấn tượng những không gian văn hóa Hồ Chí Minh - ảnh 1Phong phú các loại ấn phẩm, hình ảnh, tư liệu quý về Bác được trưng bày tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ảnh: VOV
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
 

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hơn 2.900 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, khu chung cư... Nhiều mô hình, công trình không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng với nội dung, hình thức phong phú, như: Tủ sách Bác Hồ; triển lãm hình ảnh về Bác; thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hội thi văn hoá - văn nghệ ca ngợi Hồ Chủ tịch…

Tại Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, với nét đặc trưng riêng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh được Hội bố trí ngay tại trụ sở với các hoạt động, như: chuyên mục “Lời Bác dạy năm xưa”, “Chuyện kể về Bác Hồ”; phát động hội viên, phụ nữ treo ảnh Bác tại nhà; thi đua mỗi người lựa chọn một môn thể thao để luyện tập hàng ngày gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”… Bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Nơi đây thường tổ chức các hoạt động phong trào của Hội, nên việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại cơ quan Thành Hội góp phần lan tỏa mạnh mẽ giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tâm huyết đó, chúng tôi đầu tư rất kỹ để thực hiện một không gian vừa trang trọng, vừa gần gũi, thân thuộc, có ý nghĩa sâu sắc trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, hội viên”.

Ấn tượng những không gian văn hóa Hồ Chí Minh - ảnh 2Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu hút người dân đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: VOV

Cũng xem đây là công trình tâm huyết, cán bộ, chiến sĩ dân quân quận Phú Nhuận (Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh) đã ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Điển hình như Ban Chỉ huy Quân sự Phường 8 đã số hóa và truy cập bằng mã điện tử QR để tra cứu thông tin, tập tin ghi âm giới thiệu về cuộc đời, biên niên sự kiện, quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trịnh Hoàng Khanh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Phường 8, quận Phú Nhuận, cho biết: “Trong quá trình làm đã có nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi các đơn vị bạn, cũng như sự chỉ đạo của chính quyền phường về nội dung, thực hiện quét mã QR. Với không gian văn hóa Hồ Chí Minh, chiến sĩ dân quân có nơi để học tập thêm về tư tưởng của Người, học thói quen đọc sách”.

Là quận trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền Quận 1 xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Nhiều mô hình, hoạt động cụ thể, hình thức phong phú, sinh động đã được triển khai. Trong đó có tour du lịch Biệt động Sài Gòn, một hành trình đặc biệt khám phá 18 điểm di tích lịch sử. 
Theo Bí thư Quận ủy Quận 1, bà Tô Thị Bích Châu, không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần có những mô hình có thể nhân rộng và hữu ích với người dân:  “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Trong xây dựng không gian đó, người dân mong muốn điều gì, những vấn đề tốt đẹp thế nào, phải tạo sự đồng thuận xã hội cao hơn bằng cách tuyên truyền, vận động, lắng nghe phản ánh của dân. Với tinh thần “thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”, làm sao truyền tải được suy nghĩ đó trong từng hành động của người dân, chuyển thành ham muốn được lao động, được cống hiến”.

Chung tay nhân rộng công trình, nhiều địa phương vận động các cơ sở, doanh nghiệp trang trí “góc học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trưng bày những quyển sách hay, những hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Người. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Đã có nhiều hình thức, phương thức triển khai đa dạng, phong phú, phát hiện, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, kịp thời động viên, khuyến khích sự phấn đấu, nỗ lực của các tập thể, cá nhân, tạo thành phong trào học tập, làm theo một cách cụ thể thiết thực, hiệu quả nhất. Với sự đoàn kết, năng động sáng tạo, thành phố sẽ quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và tâm huyết để phát huy kết quả đạt được, có những cách làm chủ động, sáng tạo để thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước”.

Việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, không chỉ là vinh dự, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân thành phố mang tên Người. Phát huy những di sản văn hóa vật thể cùng những giá trị văn hóa tinh thần mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh luôn mang ý nghĩa tích cực đối với người dân Việt Nam, đồng thời góp phần tạo bản sắc văn hóa riêng trong quá trình phát triển thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu