An toàn mạng là thách thức lớn của Việt Nam

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Mở đầu phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son đánh giá về nguy cơ an ninh, an toàn mạng ở Việt Nam.
         
(VOV5) - Mở đầu phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son đánh giá về nguy cơ an ninh, an toàn mạng ở Việt Nam. Theo Bộ trưởng, Việt Nam là 1 trong 20 nước sử dụng internet nhiều nhất trên thế giới nên việc bảo đảm an toàn an ninh thông tin là một thách thức. Tại Việt Nam, tất cả các hoạt động đều liên quan đến hệ thống mạng. Hơn nữa, các thiết bị đều nhập ngoại nên thách thức càng lớn trong việc bảo đảm an toàn an ninh thông tin.  Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết:  “Bộ thông tin và truyền thông đã ra Thông tư quy định điều phối hoạt động ứng cứu khẩn cấp và thực tế chúng ta đã có tổ chức ứng cứu khẩn cấp máy tính. Tổ chức này đã liên thông và hợp tác với quốc tế để tham gia ứng cứu khẩn cấp máy tính. Thứ 2 là đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Đến nay Việt Nam đã có khoa đào tạo an ninh thông tin mạng ở Học viện bưu chính viễn thông. Việc làm nữa là tích cực triển khai các đề án trọng điểm về an toàn an ninh thông tin. Tăng cường hợp tác quốc tế cũng là nội dung rất quan trọng. Bộ thông tin và truyền thông cũng đề nghị Quốc hội đưa dự án Luật an toàn thông tin vào chương trình kỳ họp năm 2014 để tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn.”


An toàn mạng là thách thức lớn của Việt Nam - ảnh 1
Toàn cảnh phiên chất vấn. Ảnh: baocongthuong

Việc điều chỉnh cước 3G, Bộ trưởng cho biết đây là chủ trương chung của Nhà nước, phù hợp với quy định hiện hành và cam kết quốc tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Theo Bộ trưởng, thị trường công nghệ của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Việt Nam luôn tiếp cận những công nghệ mới của thế giới để phát triển trên mạng di động như 2G, 3G. Với việc ra đời của công nghệ 4G, dự kiến năm 2015 Việt Nam sẽ ứng dụng công nghệ này. Hiện nay Bộ cấp phép cho 1 số doanh nghiệp để làm thí điểm.

Về công tác quản lý báo chí, Bộ trưởng ghi nhận Việt nam có đội ngũ đông đảo cơ quan báo chí và phóng viên, đã đóng góp nhiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Song bên cạnh đó báo chí cũng có những hạn chế, yếu kém, đưa thông tin sai, gây hoang mang trong dư luận xã hội:Trong công tác quản lý báo chí thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ ban hành thêm nghị định quản lý báo chí tốt hơn và sẽ sửa Luật  báo chí. Và Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh quy chế cung cấp thông tin cho báo chí để báo chí được tiếp cận nhanh nhất, kịp thời nhất với thông tin chính thống, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí.”

Đầu giờ sáng 21/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son./.          


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu