Dự kiến có khoảng 15 nghìn đến 20 nghìn người đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu, lãnh đạo các tôn giáo bạn, đồng bào phật tử, nhân dân cả nước tham dự Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019 (gọi tắt là Vesak 2019). Hiện có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận tham dự Đại lễ. Đây cũng là kỳ Vesak có nhiều vị nguyên thủ quốc gia tham dự nhất từ trước đến nay. Những thông tin này được đưa ra trong buổi Họp báo về công tác chuẩn bị Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 sẽ diễn ra từ 12 đến 14/5/2019 tại Trung tâm Văn hoá Phật giáo Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, với chủ đề: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.
Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức. |
Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật Đản LHQ, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Trưởng Ban thông tin truyền thông Trung ương, cho biết Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 có ý nghĩa lớn lao đối với Phật giáo Việt Nam: "Phật giáo Việt Nam được đăng cai chủ trì là vinh dự lớn lao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thể hiện vị trí vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, cũng như là sự đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng, không những Việt Nam mà cả trên quốc tế nữa. Thứ 2 là khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng. Thứ 3 là thể hiện sự gắn bó, không những đồng hành mà còn gắn bó với Phật giáo thế giới. Thứ 4 là chuyển tải hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Hiện có hơn 1400 đại biểu quốc tế đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ xác nhận tham dự Đại lễ tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
Tại Đại lễ Vesak 2019 sẽ có 398 bài tham luận bằng tiếng Anh của các học giả quốc tế và 110 bài tham luận bằng tiếng Việt của các học giả trong nước tập trung vào chủ đề chính, đó là: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững, cùng các nội dung tại diễn đàn: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0 và Phật giáo; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.