Xây dựng lòng tin chiến lược để giải quyết vấn đề Biển Đông

Chia sẻ
(VOV5) - Hội thảo quốc tế lần thứ I với chủ đề "An ninh và Hợp tác ở Biển Đông" đang được tiến hành tại Moscow, Nga

(VOV5) - Hội thảo quốc tế lần thứ I với chủ đề "An ninh và Hợp tác ở Biển Đông" đang được tiến hành tại Moscow, Nga.


Các cơ quan thông tấn, báo chí lớn của Nga cũng đưa tin đậm nét về hội thảo và nhấn mạnh sự quan tâm của Nga trong bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Trong các phát biểu tại Hội thảo, khách mời đại diện cho chính quyền, Quốc hội, Bộ Ngoại giao Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự quan tâm của Nga đến việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, không để xung đột leo thang, cần giải quyết vấn đề bằng biện pháp chính trị-ngoại giao, trong đó cơ sở quan trọng để áp dụng là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

 Xây dựng lòng tin chiến lược để giải quyết vấn đề Biển Đông  - ảnh 1
Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Levichev (trái) tham gia Hội thảo


Với 5 phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà nghiên cứu của Nga và gần 20 chuyên gia đến từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore... đã phân tích, đưa ra những nhận định, khuyến cáo cụ thể.

Các tham luận được trình bày tại phiên đầu tiên với chủ đề "Tình hình ở Biển Đông nhìn từ quan điểm địa chính trị hiện đại" đã đi sâu phân tích xung đột ở Biển Đông, hậu quả của việc Trung Quốc đưa ra khái niệm "Đường chữ U", mâu thuẫn trong quá trình tham vấn giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), về chính sách và lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông...

Tại phiên thứ hai - "Các nguy cơ vũ trang hóa khu vực và chạy đua vũ trang giữa các nước có tranh chấp", các chuyên gia đã phân tích các nguyên nhân và hậu quả của chạy đua vũ trang trong khu vực và mối quan hệ phức tạp giữa các nước trong khu vực với Mỹ và Trung Quốc.

 Xây dựng lòng tin chiến lược để giải quyết vấn đề Biển Đông  - ảnh 2
Toàn cảnh  Hội thảo



Tại phiên "Lợi ích và chính sách của các nước lớn bên ngoài khu vực đối với tranh chấp ở Biển Đông", các tham luận đề cập các nội dung như chính sách của Mỹ và Trung Quốc, lợi ích của Mỹ và quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc đối với việc xác định ranh giới của nước này ở Biển Đông.

Trong phiên thứ tư - "Các bình diện pháp lý của tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông", các chuyên gia đã đặc biệt nhấn mạnh việc tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các khía cạnh pháp lý của việc bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quan trọng này.

Phiên cuối cùng của Hội thảo với chủ đề "Các khả năng giải quyết vấn đề hiện nay và triển vọng thiết lập hòa bình, ổn định tại Đông Nam Á" được các học giả và quan chức Nga tham dự đặc biệt quan tâm. Các chuyên gia uy tín đến từ nhiều nước đã nêu lên nhiều phương án để có thể giải quyết bất đồng giữa các nước có tranh chấp, phân tích khả năng xây dựng các cấu trúc khu vực để giải quyết vấn đề an ninh tại Đông Nam Á.

 Xây dựng lòng tin chiến lược để giải quyết vấn đề Biển Đông  - ảnh 3
Nhiều chuyên gia đã tham gia Hội thảo


Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế tham dự có chung nhận định rằng Việt Nam đã thể hiện lập trường xây dựng, nhất quán ủng hộ việc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, kiên trì kêu gọi các bên liên quan xây dựng “lộ trình” thống nhất và mang giá trị pháp lý cao hơn để giải quyết tranh chấp như thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Các nhà nghiên cứu quốc tế nhấn mạnh, hòa bình và ổn định chỉ được đảm bảo trên cơ sở nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên liên quan. Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh tính kịp thời và trách nhiệm trong phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về xây dựng lòng tin chiến lược tại Diễn đàn Shangri-La và tại khóa họp Đại Hội đồng Liên Hợp quốc lần thứ 68 vừa qua, loại bỏ vũ lực trong giải quyết xung đột, cùng nỗ lực để xây dựng một thế giới hữu nghị và tin cậy.

Về tương lai giải quyết vấn đề biển Đông, các chuyên gia cho rằng các bên liên quan cần chấm dứt mọi hoạt động gây căng thẳng làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giữ nguyên hiện trạng, khôi phục lại lòng tin và nghiên cứu đưa ra một chương trình nghị sự mới, đáp ứng tốt hơn lập trường của các bên, trước mắt cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và tuyệt đối tuân thủ các thỏa thuận đã được ký kết./.

Đoan Hải/VOV - Moscow

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu