VPCP họp báo thường kỳ tháng 10/2013

Chia sẻ
Hôm nay (26/10), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10/2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Hôm nay (26/10), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10/2013, thông tin về nhiều vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

VPCP họp báo thường kỳ tháng 10/2013 - ảnh 1
VPCP họp báo thường kỳ tháng 10/2013. Ảnh: VGP.Quang Hiếu

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, Người Phát ngôn của Chính phủ thông báo về một số nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2013 diễn ra ngày 26/10, trong đó, nêu rõ tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng qua, phương hướng trong thời gian tới.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Dư luận cả nước quan tâm, thảo luận nhiều tới Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội không chỉ năm nay mà đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm, đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp cho 2 năm còn lại (2014-2015).

Kỳ họp Chính phủ lần này, về kinh tế-xã hội, Chính phủ xem xét những thông tin mới liên quan đến tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng, bởi vì khi báo cáo Quốc hội số liệu chưa có đến ngày 25/10. Đánh giá tổng quan chung, không khác xu thế các tháng trước và như báo cáo Thủ tướng đã trình bày trước Quốc hội.

Thứ nhất
, chúng ta quan tâm nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô như Báo cáo trước Quốc hội đã nói và như các tháng trước đã nói là luôn luôn kiên định kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Tháng này, CPI tăng 0,9% và dự kiến cả năm là 7%. Năm ngoái thời điểm này CPI là 5,13% và cuối năm là 6,81%; năm nay CPI là 5,14%. Nếu chúng ta kiên định tiếp tục các biện pháp kiểm soát hợp lý thì mục tiêu duy trì CPI khoảng 7% là khả thi, tất nhiên chúng ta không được chủ quan vì còn mấy tháng Tết, nếu kiểm soát không khéo thì yếu tố tăng do quản lý thị trường rất cao.

Thứ hai, về phát triển, vẫn theo đà của các tháng trước, công nghiệp tháng 10 tăng cao hơn tháng 9, nhưng so với năm ngoái, chỉ số công nghiệp năm nay là 5,4%, thấp hơn năm ngoái là 5,8% nhưng phân tích kỹ ra thì có tín hiệu rất đáng mừng mặc dù chỉ số công nghiệp chung giảm do công nghiệp khai khoáng giảm 0,8% còn công nghiệp chế biến, chế tạo thì tăng. Đây là tín hiệu rất đáng quan tâm.

Nếu để ý kỹ, qua từng quý, chỉ số tăng công nghiệp chế biến đều tăng dần, quý I, tôi nói số tròn là 5,3%, quý II là 6,9% và quý III là 8%; tháng 10 còn tăng cao hơn. Dịch vụ cũng tăng và tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn tăng nhưng trong tất cả các dịch vụ, dịch vụ công giảm, đúng theo tinh thần tiết kiệm chi tiêu công, còn mua bán hàng hóa ngoài xã hội thì tăng. Riêng năm nay, nông nghiệp có điều đáng nói là sau  nhiều năm, năng suất lúa mùa và lúa Hè Thu giảm, một phần do thời tiết khí hậu, một phần do chân ruộng lâu, đổi mới giống, tăng năng suất một số nơi làm không tốt. Bù lại, tháng 10 vừa qua và những tháng gần đây, thủy sản tăng, tốt nhất là tôm.

Tình hình chung chúng ta tiếp tục duy trì đà phục hồi nhưng tốc độ phục hồi tăng trưởng chậm. Nếu chúng ta cố phấn đấu từ nay đến cuối năm, có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.  Có một chỉ số cộng đồng doanh nghiệp quan tâm liên quan đến tiền tệ là huy động hệ thống ngân hàng tăng trên 11% nhưng tín dụng đầu ra chỉ trên 6%. Nhưng nếu phân tích sâu thì tăng tín dụng VND là 11,5% còn tăng tín dụng ngoại tệ lại âm 13,6%. Việc thực hiện các chính sách quản lý ngoại tệ, kiểm soát đối tượng vay ngoại tệ khi nhập khẩu các loại hàng hóa không khuyến khích nên có sự cơ cấu lại tăng tín dụng.

Các chỉ số vĩ mô khác cơ bản theo đà như Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội.

Các mặt xã hội, các chỉ tiêu an sinh xã hội cũng được duy trì, công tác quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được đảm bảo.

Phần tiếp theo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của các nhà báo.

PV Tố Như (báo Nông nghiệp Việt Nam): Dư luận những ngày qua đang dấy lên sự kiện bác sĩ vứt xác phi tang bệnh nhân. Sau khi lực lượng công an có phát ngôn chính thức từ ngày 22/10, đến nay đã được 5 ngày. Đây là sự kiện mà cả nước đều đang quan tâm theo dõi. Đến thời điểm này Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận thông tin như thế nào và đã có những chỉ đạo như thế nào đối với ngành Y tế? Tại sao đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản nào từ phía Chính phủ? Tôi nhớ rằng cách đây ít lâu, đối với sự kiện 3 trẻ em bị tiêm nhầm vaccine thì ngay lập tức đã có chỉ đạo rất nhanh. Vậy thì, vì sao đến nay, Chính phủ vẫn chưa có văn bản để yêu cầu Bộ Y tế làm rõ sự việc?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi không nhớ rằng đây là kỳ họp báo Chính phủ thứ mấy liên tiếp có những câu hỏi liên quan đến ngành Y tế. Mỗi khi có sự việc liên quan đến ngành Y tế, liên quan đến sức khỏe người dân, Chính phủ đều có thông tin rất sớm, có những vụ việc khi chưa ra đến cơ quan thông tin đại chúng thì Chính phủ đã biết qua báo cáo từ các cơ quan chức năng. Vụ việc này Chính phủ nắm thông tin từ báo chí và đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo. Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố, rà soát lại các quy định, cái nào có rồi thì phải xem xét, sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết, nếu chưa có thì phải ban hành.

Tôi đề nghị các bạn phóng viên kiểm tra lại văn bản trên Cổng TTĐT Chính phủ, chắc chắn đã có văn bản rồi.

Về chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến việc này, như các bạn đã biết, Chính phủ rất quan tâm đến chăm sóc và sức khỏe của người dân. Mỗi khi có sự cố, bao giờ Chính phủ cũng chỉ đạo rất nghiêm khắc, quan trọng nhất là mỗi lần có sự cố như vậy thì cả bộ máy quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải rà soát lại, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, không để những sự cố như vậy hoặc tương tự như vậy có thể xảy ra.

Chúng ta cũng biết ngành Y tế có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ nhân dân, mặc dù ngành còn rất nhiều khó khăn. Bên cạnh những y, bác sĩ rất tốt, rất tận tâm thì một thực tế là trong 400.000 cán bộ của ngành Y tế, trong đó có khoảng 60.000 bác sĩ, không phải không có những người suy thoái, biến chất, không làm đúng chức năng của người thầy thuốc. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của một vài người dân mà còn làm mất lòng tin của cả xã hội. Điều này, như tôi đã có lần chia sẻ với các bạn, ai cũng lên án, ai cũng đau xót. Đông đảo những người làm ngành Y, những bác sĩ chân chính càng đau xót.

Hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người bác sĩ trong trường hợp này đương nhiên phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Dù người đó là bác sĩ hay làm ngành nghề gì đều phải xử lý nghiêm. Xét về đạo đức của một con người, nhất là thầy thuốc, lại càng phải lên án.

Nhưng quan trọng là ngành Y tế cần phải tăng cường quản lý Nhà nước để chăm sóc sức khỏe của người dân. Tôi được biết là rất nhiều đồng chí có trách nhiệm ở cấp Bộ và địa phương đều đã lên tiếng về vấn đề này rồi. Chúng ta đều cùng mong rằng không chỉ ngành Y tế mà cả hệ thống chính trị, các nhà báo đều phải chung tay để làm sao chúng ta phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm cho ngành Y tế nói riêng và tất cả các ngành khác, nhất là những ngành phục vụ nhân dân, không ngừng tăng cường kỷ cương, đạo đức. Vấn đề đạo đức không cần phải nghề nghiệp nào, mà chỉ cần đạo đức của một con người. Chắc các bạn cũng cùng niềm tin với tôi, tất cả chúng ta đồng sức, đồng lòng thì kết quả sẽ tốt hơn.

PV Phương Thủy (báo Lao Động): Bộ trưởng nghĩ như thế nào về việc có rất nhiều lời kêu gọi trên diễn đàn mạng hiện nay là Bộ trưởng Y tế nên từ chức và ông có nghĩ các Bộ trưởng nên có văn hóa từ chức khi để xảy ra các vụ việc như thế này không? Thứ hai, cắt giảm chi tiêu công  hiện nay là đề tài được cả Chính phủ và Quốc hội quan tâm, đặc biệt là siết chặt chi tiêu thường xuyên liên quan đến mua sắm xe công cho cán bộ. Bộ Tài chính năm 2005 đã có chủ trương khoán chi phí đi lại, nhưng cho đến nay chưa thực hiện được. Sắp tới, Chính phủ có chủ trương thực hiện việc khoán phí đi lại này không? Chi phí chiếm bao nhiêu phần trăm ngân sách?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Tôi có thể nói rằng, chúng ta là một nước dù sao vẫn còn nghèo, sắp tới đây sẽ đón công dân thứ  90 triệu. Đứng về dân số, chúng ta đứng hàng thứ 14 thế giới, nhưng quy mô kinh tế vẫn còn rất nhỏ, vẫn còn nghèo. Đương nhiên chúng ta phải tiết kiệm.

Như tuổi chúng tôi ở nông thôn ngày xưa, được dạy 1 hạt cơm rơi xuống đất cũng phải nhặt lên ăn và bố mẹ hay nói “nếu không quỷ thần hai vai mà biết sau này phạt”. Lớn một chút thì được dạy: “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hạt tiện”.

Tinh thần chung của Chính phủ là triệt để tiết kiệm, đặc biệt trong tình hình thu ngân sách khó khăn và như các bạn biết là xin Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8-5,3%, đầu tiên phải tiết kiệm. Đầu tư công trình vẫn cần đầu tư, nhưng vốn đó phải sử dụng sao cho tiết kiệm nhất. Lãng phí không phải chỉ do thất thoát trực tiếp mà còn ở chủ trương đầu tư. Đầu tư đúng là tiết kiệm; đầu tư không đúng, để dàn trải, kéo dài, là lãng phí.

Trong chi tiêu thường xuyên đương nhiên càng cần tiết kiệm, vì đầu tư có những thứ không thể đừng. Chi tiêu, như tôi đã nói nhiều lần, lấy số tròn là trên 60% tổng chi ngân sách dành cho chi sự nghiệp. Trong chi sự nghiệp, hơn 1/2 cho lương. Ở đây chúng ta vừa nói tới y tế, trong đội ngũ y tế có 400.000 cán bộ, công nhân viên chức, nhân viên. Giáo dục thì mấy năm vừa rồi, riêng số tăng thêm là 500.000 giáo viên, nói số tròn là gấp khoảng 2 số lượng công chức của cả hệ thống chính trị từ huyện lên Trung ương. 

Chúng ta phải cắt giảm chi tiêu, nhưng lương  nhu cầu thì đòi tăng, ai cũng thấy đều muốn tăng lương, nhưng Nhà nước sau khi xem xét, có lộ trình tăng lương ở mức  hợp lý trong khả năng. Còn lại những chi dành cho hệ thống hành chính thì chiếm một tỷ trọng trong chi thường xuyên, tôi xin nói so với lương là rất thấp. Trong đó mua xe công từ nhiều năm đã được thắt chặt rất nghiêm ngặt. Sau quá nhiều năm hạn chế mua xe công, năm ngoái Bộ Tài chính có mở ra cho mua, nhưng tinh thần chung là hết sức tiết kiệm. Còn chủ trương khoán xe công, trước đây tôi nhớ lâu rồi đã làm, cũng có những đồng chí lãnh đạo nhận tiền khoán để đi taxi, thậm chí xe ôm.

Tinh thần của Chính phủ là bất kỳ giải pháp nào dù tiết kiệm nhỏ tới mấy cũng rất hoan nghênh khuyến khích. Bộ Tài chính đang nghiên cứu phân tích tất cả mặt được và không của câu chuyện khoán. Một giải pháp đề ra và tồn tại nhiều năm, bao giờ cũng có mặt được và không, nó có lý của sự tồn tại. Giải pháp khoán cũng có mặt lợi, nhưng không phải không có hạn chế và khó khăn.

Bộ Tài chính cùng các bộ đang phân tích đánh giá kỹ đề trình Chính phủ. Còn Chính phủ, tinh thần thì bất cứ việc gì tiết kiệm dù nhỏ nhất cũng đều khuyến khích.

Trong phiên họp hôm nay, Chính phủ ra quyết nghị, trước đây nói nhiều tới tiết kiệm, giảm đi nước ngoài, giảm hội họp. Bây giờ, Chính phủ yêu cầu từng bộ lên rõ, đăng ký Bộ Tài chính năm tới kế hoạch cắt những khoản nào, cụ thể bao nhiêu.

Nhưng tôi cũng xin nhắc lại, vấn đề lớn nhất của tiết kiệm là phải làm sao có đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách xứng tầm, để chủ trương chính sách không chỉ là chi tiêu bình thường, kể cả đầu tư sao cho sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực, kể cả nguồn tài nguyên hay nguồn nhân lực hay những nguồn lực mang tính vô hình như thương quyền của hàng không hay tần số của bưu điện. Làm sao cho chính sách ra là chúng ta sử dụng hiệu quả nhất thì đấy chính là cái tiết kiệm lớn nhất.

PV Công Thanh (báo Tiền Phong): Những vấn đề liên quan đến ngành Y tế vừa qua, có ý kiến cho rằng không chỉ liên quan đến y đức mà còn là y thuật bởi vì hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục nâng cao chương trình đào tạo y, bác sỹ theo dạng cử tuyển và liên thông trong khi đó có lần, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng rất muốn giữ đầu vào cao để nâng chất lượng nhưng Bộ Giáo dục-Đào tạo lại không đồng ý. Xin hỏi quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Quan điểm của tôi là tất cả mọi ngành đều phải nâng chất lượng, chất lượng cả về đầu vào lẫn trong quá trình đào tạo và cả đầu ra khi sử dụng. Chắc các bạn ngồi đây đều giống như tôi, đều phải trải qua rất nhiều kỳ thi, phải đi học. Cũng phải tránh tình trạng thi rất khó nhưng lúc học mình lại chưa chú ý lắm. Có những người học rất giỏi nhưng ra trường, khi đưa vào sử dụng, nếu vào nơi nào có môi trường làm việc không phát huy được thì mấy năm sau gặp lại, thấy bạn A học không bằng bạn B nhưng lại hơn hẳn.

Quan điểm tôi, tôi nghĩ cũng là quan điểm chung của Chính phủ, Nhà nước là chúng ta phải nâng cao đào tạo, tất cả các khâu từ đầu vào cho đến quá trình đào tạo cho đến khi sử dụng. Và làm việc này đòi hỏi có thiết kế rất tổng thể của cả hệ thống. Vừa qua Nghị quyết Trung ương đã bàn và đã có Nghị quyết Đổi mới căn bản toàn diện hệ thống giáo dục.

PV Lê Thanh (báo Tuổi trẻ HCM): Vụ bác sĩ ném xác bệnh nhân xuống sông gây chấn động dư luận xã hội vừa rồi, Bộ trưởng có nói đến yêu cầu cách ngành, địa phương xem xét, chấn chỉnh, rà soát lại chất lượng. Tuy nhiên về phía ngành Y tế thì dư luận mong chờ câu trả lời, phản hồi từ phía lãnh đạo Bộ Y tế. Chúng tôi cũng rất mong muốn Bộ trưởng Bộ Y tế làm gì đấy quyết liệt hơn. Sau những vụ việc liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa rồi, quan điểm cá nhân của Bộ trưởng thì Bộ trưởng Bộ Y tế có nên từ chức không?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chưa cần làm đến Bộ trưởng, bất kì người dân nào khi nghe đến những chuyện liên quan đến tính mạng con người và hành vi thiếu nhân tính thì trong lòng đều phẫn uất và nhiều cảm xúc. Ngay buổi họp Chính phủ sáng nay, có một số nhà báo ngồi đây cũng tham dự, các đồng chí nhìn thấy ngay cảm giác Bộ trưởng Tiến rất khổ sở, khổ tâm. Nhưng điều quan trọng nhất là khi mình đảm đương một cương vị, nhất là ở cương vị cấp Bộ trưởng thì các bạn cũng biết đây là được Đảng phân công, được Quốc hội là cơ quan quyền lực đại diện cho ý chí của nhân dân  phê chuẩn. Điều  quan trọng nhất khi mình làm trên cương vị của mình là làm hết trách nhiệm, làm hết tâm sức của mình.

 

Cá nhân tôi thì không nghĩ rằng cứ mỗi một sự việc cụ thể thì một Bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức. Mà điều đầu  tiên phải nghĩ là tại sao tình hình lại như vậy, do chủ quan của ngành mình hay do khách quan, do thời kì mình chỉ đạo hay do nhiều thời kì dồn lại? Và điều quan trọng nhất là cần có quyết tâm và lộ trình kế hoạch sao cho thực hiện tốt hơn tất cả các chuyện. Tôi tin rằng nếu không phải tất cả thì đại đa số các Bộ trưởng đều cho rằng nên như thế.

 

Tôi cũng nói thế này, không biết có đúng không vì đây là cảm xúc không chỉ vụ việc này đâu, có những vụ báo chí đưa lên, ngay cả như tôi từng này tuổi rồi nhưng nói thật có những vụ việc vẫn còn khiến tôi run người lên vì sợ như những vụ việc về đạo đức xã hội, những hành vi vi phạm pháp luật, giết người man rợ.

 

Tôi nhớ không nhầm, năm vừa qua có khoảng 1.530 vụ giết người. Công an có nói là khoảng 80% do ngoại cảnh tác động chứ không phải có âm mưu gì. Trong số này liệu có những người thuộc sự quản lý của ngành này hay  ngành khác không? Chắc là có chứ.  Trong giới báo chí đang ngồi đây, cũng có những người vi phạm hình sự không? Chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm khắc tích cực nhưng tình cảm và ý chí của chúng ta trong sự nghiệp là phải làm sao để sự nghiệp tốt hơn.

 

Tôi nghĩ rằng vừa qua báo chí đã có thông tin rất nhiều, khách quan, chân thực và đa chiều. Chúng tôi tiếp nhận những thông tin đó chính là những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân gửi đến lãnh đạo ngành Y tế cũng như lãnh đạo của tất cả các ngành liên quan nhiều đến đời sống thì chắc chắn là từng đồng chí có trách nhiệm đều  nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và đều  biết rõ mình phải làm gì để không  phụ lại tấm lòng của nhân dân.

Phóng viên Hữu Hòe (báo Đầu tư chứng khoán): Trong kỳ họp lần trước, được biết Chính phủ có đề cập đến những câu chuyện là tìm một cơ chế để thoái vốn đầu tư ngoài ngành, để khắc phục tình trạng bế tắc hiện nay. Xin phép được hỏi trong kỳ họp lần này, Chính phủ đã quyết phương án cụ thể nào chưa và chỉ đạo các bộ, ngành, cụ thể là Bộ Tài chính, để đệ trình chính sách ấy như thế nào?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Câu hỏi của bạn nếu trả lời cụ thể thì tôi có thể nói với bạn là không thể có một chính sách nào giải quyết tình trạng ấy. Chính phủ chỉ đạo điều hành cương quyết thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Một trong những nội dung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là xác định rõ doanh nghiêp Nhà nước chỉ làm ở những lĩnh vực thực sự cần thiết, trong đó có lĩnh vực liên quan đến quốc phòng an ninh,các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác ở thời điểm này người ta chưa thấy hấp dẫn để đầu tư thì mình phải làm để thực hiện các nhiệm vụ chung của xã hội. Ngoài ngành nghề kinh doanh chính ấy ra, thì thực hiện kiên quyết thoái vốn, và như những lần trước chúng ta đã nói với nhau rồi, cái nóng nhất là đầu tư vào bất động sản, đầu tư vào chứng khoán, thì chúng ta phải thoái vốn.

 

Còn cơ chế thoái vốn thì nguyên tắc phải thoái vốn nhanh nhất theo thị trường, bởi vì chúng ta thực hiện thoái vốn, thì tôi nhớ đợt trước mình cũng nói với nhau một cách rất ví von, tức là y như đánh trận, có lúc lui lúc tiến, có lúc phải bỏ chạy, nhưng phải đúng. Bây giờ, nếu tài sản dù gì cũng là của Nhà nước, của nhân dân, chúng ta không thể bán đổ, bán tháo cùng một lúc, chúng ta phải có lộ trình. Thế còn chính sách cụ thể, như bạn nói có một chính sách nào trong kỳ họp này không, thì chúng tôi cũng nói với bạn, không thể có một chính sách mà giải quyết được. Cái này đang được thực hiện đồng bộ rất nhiều chính sách, trong đó có việc xiết vào từng doanh nghiệp một, thoái vốn ở đâu, như thế nào, phải tiến hành tất cả các biện pháp từ vốn, thuế, đến thị trường chứng khoán để chúng ta cùng nhau giải quyết.

 

Với môt niềm tin là sản xuất, kinh doanh đã được phụ hồi, thị trường ấm lên thì tất cả mọi thứ, cái nọ thúc vào cái kia, việc thoái vốn sẽ được tiến hành. Và tôi xin nhắc lại không thể vì bức xúc phải thoái vốn ngay để mình làm thất thoát tài sản. Và ngoài cái thất thoát tài sản ra còn làm rối loạn thị trường nữa.

Theo Chinh phu.vn

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu