(VOV5)- Ngày 3/7, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam - Đức phối hợp với Văn phòng đại diện Viện Friedrich-Ebert Stiftung (Viện FES-Đức) tại Hà Nội tổ chức tọa đàm "Khủng hoảng đồng Euro-châu Âu sẽ đi về đâu?".
|
Ảnh:cpv.org.vn |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Đức Hoàng Văn Huây đã điểm lại khủng hoảng nợ công châu Âu cũng như ảnh hưởng của nó trong Liên minh châu Âu, đặc biệt là ở các nước có các khoản nợ công tăng mạnh do kế hoạch giải cứu ngân hàng. Về tổng thế, khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ lên đỉnh điểm vào nửa đầu năm 2013 và sẽ sáng sủa dần từ nửa cuối năm 2013 do tác động tích cực lan tỏa của các chính sách nới lỏng, kích thích kinh tế của các nước...
Phân tích về tương lai châu Âu, Giáo sư Christa Randzio-Plath, Chủ tịch Hiệp hội Marie-Schlei (Đức), nhận định: Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu không chỉ đẩy Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên đặt tổ chức này trước những thách thức mới, cả về phương thức khắc phục những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính lẫn việc làm thế nào để củng cố thị trường nội địa. Theo Giáo sư, để tăng cường khía cạnh xã hội trên bình diện châu Âu, bên cạnh liên minh kinh tế và tiền tệ, còn cần phải thiết lập một liên minh xã hội nhằm mục tiêu kiểm tra tác động xã hội của mọi chính sách của Liên minh châu Âu.