Tấm bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc

Lê Phương - Ánh Huyền
Chia sẻ

(VOV5) Bức bản đồ cổ có tên gọi "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, vừa được Tiến sỹ Mai Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm trao lại cho Bảo tàng lịch sử quốc gia. Lễ tiếp nhận tấm bản đồ quý này sẽ diễn ra vào ngày mai, 25/7 tại Hà Nội với sự tham gia của một số nhà sử học.

(VOV5) Bức bản đồ cổ có tên gọi "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa, vừa được Tiến sỹ Mai Hồng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm trao lại cho Bảo tàng lịch sử quốc gia. Lễ tiếp nhận tấm bản đồ quý này sẽ diễn ra vào ngày mai, 25/7 tại Hà Nội với sự tham gia của một số nhà sử học.

Tấm bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc - ảnh 1
Tiến sĩ Mai Hồng

Hơn 30 năm giữ trong tay tấm bản đồ quý, sau khi tra cứu, dịch lại nội dung in trên bản đồ, tiến sĩ Mai Hồng, ngày 4/7 vừa qua đã quyết định chia sẻ bằng cứ lịch sử mình có. Có được bản đồ từ những năm 1977-1978 từ một người bán sách cũ, khi đang công tác tại Viện Hán Nôm, đến năm 2002, ông Hồng về hưu và quên mất tấm bản đồ và chỉ tìm thấy lại nó trong một lần sắp xếp lại kho tư liệu gần đây.

Tấm bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc - ảnh 2

Dòng chữ Hán này đọc từ phải sang có nghĩa: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (Ảnh: Tuổi trẻ)


Tiến sỹ Mai Hồng cho biết đây là một công trình tiếp thu phông tư liệu từ đời Tần, đời Hán, rồi được viết liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), từ thời vua Khang Hi đến thời vua Quang Tự. Theo tiến sỹ Mai Hồng, một tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện, có thể khẳng định được tính chính thống, tính quốc gia của tài liệu này: “Đây là tài liệu của nhà Thanh thực hiện, là một cứ liệu không ai có thể chối cãi được. Tôi đóng góp tư liệu này cũng là muốn hai nước không còn tranh biện nhau, để không làm tổn hại đến nhân dân hai dân tộc. Như vậy, tài liệu này không chỉ có lợi cho dân tộc Việt mà còn cả dân tộc Trung Hoa. Những cuộc tranh biện này không có lợi cho người dân. Tôi mong rằng sau khi tôi hiến tặng cho Nhà nước, tấm bản đồ này sẽ được tuyên truyền cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, cũng như nhân dân thế giới hiểu rõ về sự thật lịch sử”.

Tấm bản đồ cổ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc lãnh thổ Trung Quốc - ảnh 3

"Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ" của Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904 có chất liệu bằng giấy, được in màu, có bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Bên trong là hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng ghép khoảng 20x30cm. Điều đáng chú ý là trên bản đồ toàn quốc chỉ vẽ đến đảo Hải Nam và coi đây là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là các quần đảo trên Biển Đông, gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, đều không thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Chính vì vậy, bên cạnh giá trị lịch sử, tấm bản đồ quý giá này còn là cơ sở giúp các học giả Việt Nam và quốc tế trong các nghiên cứu chủ quyền trên Biển Đông./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu