Sử dụng hiệu quả vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 là nội dung thảo luận trong ngày làm việc ngày 07/6 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII.  Phát biểu tại buổi thảo luận, các đại biểu khẳng định việc Quốc hội quyết định chủ trương phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006 - 2012 là đúng đắn và kịp thời.

(VOV5) - Kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 là nội dung thảo luận trong ngày làm việc ngày 07/6 của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII.  Phát biểu tại buổi thảo luận, các đại biểu khẳng định việc Quốc hội quyết định chủ trương phát hành trái phiếu chính phủ cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006 - 2012 là đúng đắn và kịp thời. Các công trình đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu của quốc gia, đẩy nhanh tiến trình xoá đói giảm nghèo ở các tỉnh khó khăn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng việc sử dụng vốn trái phiếu cho đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều hạn chế. Các đại biểu đề nghị trong đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ cần phải thực hiện hiệu quả hơn, theo quy trình chặt chẽ.

Sử dụng hiệu quả vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản - ảnh 1
Tuyến đường Nước Xa - Trà Dơn - Trà Leng, một trong những dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ. (Ảnh: baoquangnam.com.vn)



Bà Nguyễn Thị Khá, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, nêu ý kiến: “Xây dựng cơ bản cần phải công khai, minh bạch, rộng rãi trong phê duyệt đầu tư, đấu thầu, mời thầu, giám sát theo Luật xây dựng, các luật liên quan; cần phát huy giám sát của các tổ chức chính trị xã hội, giám sát của nhân dân thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra. Trong ban hành chính sách phê duyệt đầu tư, quyết định đầu tư cần phải xem xét một số ngành, lĩnh vực có thể liên kết ngành, vùng miền và phải dựa trên nguồn vốn cân đối vốn, có lộ trình, tiến độ thanh toán, quyết toán đúng quy định. Tôi đề nghị Quốc hội đưa vốn trái phiếu Chính phủ vào cân đối ngân sách nhà nước quản lý theo luật định, rà soát tổng thể các công trình đã được sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời đối với công trình dở dang, ưu tiên kinh phí dự phòng để chống lãng phí”.

Cũng trong ngày thảo luận ngày 07/06, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và một số Bộ trưởng giải trình thêm việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong lĩnh vực kiên cố hoá trường lớp học, giao thông, nông nghiệp, y tế, đầu tư. Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Theo tôi việc chấn chỉnh những tồn tại là hết sức cần thiết. Tuy nhiên chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vốn để tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh những công trình đang thi công và có thể để thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư. Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành những dự án đã có trong danh mục Quốc hội duyệt nhưng phải giãn tiến độ đến năm 2015 cần thêm ít nhất 8.500 tỷ đồng. Trong khi đó rất nhiều địa phương đang có những yêu cầu cấp thiết khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, nếu chúng ta chỉ tập trung vốn vào thực hiện các dự án đang làm mà không mở mới hoặc điều chỉnh vốn sang những dự án phục vụ mục tiêu tái cơ cấu thì đây cũng là vướng mắc hiện nay chúng tôi đang gặp phải và nhiều địa phương đang gặp phải”.

Ngày 08/6, theo chương trình dự kiến, quốc hội sẽ thảo luận 3 dự án luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; Dự án Luật việc làm. Trước đó, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu