Quốc hội thảo luận về Luật dự trữ quốc gia và kinh tế-xã hội

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Bốn vấn đề lớn trong dự thảo Luật dự trữ quốc gia là mục tiêu dự trữ quốc gia, tổng mức dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia, được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường chiều 24/10. Luật dự trữ quốc gia sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội này.
(VOV5)- Bốn vấn đề lớn trong dự thảo Luật dự trữ quốc gia là mục tiêu dự trữ quốc gia, tổng mức dự trữ quốc gia, danh mục hàng dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia, được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường chiều 24/10. Luật dự trữ quốc gia sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội này.

Quốc hội thảo luận về Luật dự trữ quốc gia và kinh tế-xã hội - ảnh 1
Ảnh: Tạp chí tài chính

Theo các đại biểu, để bảo đảm đúng bản chất của dự trữ quốc gia, cần điều chỉnh mục tiêu dự trữ quốc gia theo hướng chỉ giữ mục tiêu đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, phục vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của nhà nước. Bên cạnh đó, chỉ lựa chọn những mặt hàng chiến lược, thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh và tình trạng khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn vào danh mục hàng hóa dự trữ quốc gia. Ngân sách Nhà nước chi cho dự trữ quốc gia được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

Về tổng mức dự trữ quốc gia, ông Nguyễn Văn Tuyết, đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nêu ý kiến:
“Tôi đồng tình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội là bỏ quy định tổng dự trữ quốc gia tăng dần hàng năm. Theo dự thảo mới, quy định là tổng mức dự trữ quốc gia được bảo đảm thực hiện mục tiêu dự trữ quốc gia và Chính phủ trình Quốc hội để quyết định mức phân bổ ngân sách cho dự trữ quốc gia hàng năm. Tôi thấy quy định này hợp lý và đảm bảo tính khả thi.”

Trước đó, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Theo đó, những điểm sáng về kinh tế - xã hội trong năm 2012 đạt được là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát được kiềm chế ở mức 1 con số, an sinh xã hội đảm bảo, chính trị ổn định. Mục tiêu năm 2013 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012 ở mức 5,5%, giữ vững an ninh, chính trị.

Về các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, ông Vũ Viết Ngoạn, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, góp ý:
“Ngoài 9 giải pháp của Chính phủ cũng như 8 giải pháp của Ủy ban kinh tế Nhà nước đề xuất, tôi đề nghị phải tăng cường kích cầu. Nếu không kích cầu thì hàng tồn kho không thể tiêu thụ được. Tôi đề nghị phát hành trái phiếu công trình, lựa chọn một số công trình thiết thực, quan trọng để phát hành. Đây là phải một chương trình lớn. Thứ hai là phải quyết liệt, khẩn trương hơn nữa việc tái cơ cấu ngân hàng đi liền với giải quyết nợ xấu. Hai cái đó là cùng một lĩnh vực, không thể tách rời. Đi cùng với đó là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước phải được đặt trong tổng thể lớn hơn nữa. Trước tình thế hiện nay về mặt điều hành có lẽ phải thành lập một Ban chỉ đạo Trung ương về tái cơ cấu, bởi nếu để từng Bộ làm thì thiếu tính đồng bộ, thiếu tính tổng thể.”

Các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về: Tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013. Ước thu ngân sách cả năm 2012 đạt kế hoạch, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và giữ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra./.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu