Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013

Chia sẻ
(VOV5) - Chiều 1/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
(VOV5) - Chiều 1/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.


Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013 - ảnh 1

Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa vào 30 dự án Luật, 3 dự án Pháp lệnh trong chương trình chính thức. Về Chương trình Luật, Pháp lệnh năm 2012, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ điều chỉnh 10 dự án, bổ sung 6 dự án Luật vào Chương trình Luật, Pháp lệnh toàn khóa Quốc hội 13, trong đó có Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư (sửa đổi), Luật ban hành quyết định hành chính, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí (sửa đổi). Đa số các ý kiến tán thành dự kiếnChương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung dự án Luật phòng chống tham nhũng vào năm 2012 và sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4. Một số ý kiến đề nghị đưa ngay dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đưa vào năm 2013. Bà Võ Thị Dung, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến:“Tôi xin đề nghị việc xây dựng Luật của Quốc hội tới đây cần phải song song với quá trình chuẩn bị Nghị định cũng như các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành. Để khi Luật ban hành thì được thực hiện ngay, đi vào cuộc sống. Về Luật đất đai, đây là Luật còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều vấn đề phức tạp cho nên chưa đưa vào chương trình, để lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5. Luật đất đai là một trong những luật mà nhân dân rất quan tâm.”

Sáng cùng ngày, thảo luận ở tổ về Dự án Luật dự trữ quốc gia, đa số các ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh Luật dự trữ quốc gia đến các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Hiện nay tổng dự trữ quốc gia của Việt Nam đạt khoảng 0,38% GDP, còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đề xuất:“Nguồn dự trữ quốc gia được hình thành từ ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định. Điều này là phù hợp với Luật ngân sách nhưng nếu quy định như thế này thôi thì chúng ta không huy động được các nguồn lực khác trong xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Quốc hội đề ra chủ trương là các lĩnh vực nếu xã hội hóa được thì xã hội hóa. Rất nhiều lĩnh vực chúng ta đã xã hội hóa, trong giáo dục, y tế, thể thao chúng ta đã xã hội hóa. Dự trữ quốc gia rất quan trọng mà chúng ta không bổ sung thêm là khuyến khích, động viên của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia thì mất đi nguồn lực rất lớn trong xã hội. Thậm chí các nguồn tài trợ, viện trợ của nước ngoài không hoàn lại hoặc là thấy chưa cần thiết sử dụng trong đời sống cũng nên đưa vào dự trữ quốc gia.

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung trong dự thảo luật cần được sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, điển hình là việc bổ sung cơ chế quyết định trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Một số ý kiến nhấn mạnh phải tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế./.

Ngọc Anh

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu