Nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão Wutip (bão số 10)

Chia sẻ
(VOV5)- Theo tin mới nhất, tính đến sáng nay, siêu bão Wutip (bão số 10) đã làm 3 người chết và 31 người bị thương.

(VOV5)- Theo tin mới nhất, tính đến sáng nay, siêu bão Wutip (bão số 10) đã làm 3 người chết và 31 người bị thương.

Tại nơi tâm bão đi qua là hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, hàng ngàn nhà dân bị tốc mái, tuyến đường bộ, đường sắt Bắc-Nam bị sạt lở ở nhiều điểm; nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan đơn vị, bệnh viện và hơn 7000 hécta cao su bị hư hại…

Nỗ lực khắc phục hậu quả của cơn bão Wutip (bão số 10) - ảnh 1
Bão quật đổ cột ăngten của Đài phát sóng phát thanh Đồng Hới (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam), làm hai người chết, một người bị thương nặng


Bão Wutip quật đổ cột ăngten của Đài Phát sóng phát thanh Đồng Hới, thuộc Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam, tại thành phố Đồng Hới, làm 2 cán bộ của Đài là Nguyễn Chí Thành và Lê Thanh Nghị chết; công nhân Trần Công Thắng bị thương nặng. Bão Wutip còn gây sự cố đường dây điện 500KV Bắc Nam đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng, làm mất liên kết Hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện 2 miền Bắc Nam vận hành độc lập.

Ngay khi bão đổ bộ tối 30-9, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các bộ ngành và tỉnh Quảng Bình chỉ đạo công tác khắc phục cơn bão Wutip.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, nhấn mạnh:“Tôi đã chứng kiến cơn bão Sangsane, tôi có cảm nhận cơn bão này còn mạnh hơn. Thiệt hại có thể là rất lớn mà chúng ta chưa nắm được. Vì vậy chính quyền cơ sở, các xã, các thôn phải đi kiểm tra để nắm chắc số nhà bị đổ, số nhà tốc mái, người bị chết, bị thương và có biện pháp cứu trợ ngay. Ngoài ra, các địa phương phải đảm bảo có đủ lương thực, nước uống và nơi trú ngụ, không để ai bị đói, bị rét và không có nơi trú ẩn. Theo dự báo sẽ tiếp tục có mưa lớn, vì thế tất cả các địa phương phải hết sức đề phòng, hướng dẫn nhân dân ở những vùng nguy hiểm phải tiếp tục sơ tán để đảm bảo an toàn về tính mạng.”

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, không được chủ quan, đề phòng mưa lũ sau bão, nhất là bảo vệ các hồ đập, ưu tiên phân luồng giao thông trên quốc lộ. “Việc đầu tiên các tỉnh phải làm là đảm bảo giao thông. Sở Giao thông các tỉnh chủ động triển khai các công việc cần thiết. Thứ hai là Bộ Thông tin và Truyền thông và các tổng công ty phải đảm bảo thông tin thông suốt. Thứ ba là về điện, đề nghị Tổng công ty điện lực miền Trung cùng tỉnh Quảng Bình khắc phục các sự cố, thiệt hại về đường điện để nhanh chóng cũng cấp điện cho nhân dân.”

Tỉnh Nghệ An đã cử 4 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão tại các địa phương. Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, cho biết:“Đối với vùng núi, thì cảnh báo cho bà con nhân dân đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đối với công trình thủy lợi xung yếu thì Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các hồ đập, các địa phương theo dõi, chủ động điều hành, vận hành nước, đảm bảo khoa học. Các địa phương đều túc trực cử người theo dõi, để rồi chủ động ứng phó khi sự cố xảy ra. Đặc biệt là đối với các vùng thường xuyên có ngập thì phải thường xuyên cảnh giới, cảnh báo và kiên quyết không cho các phương tiện cũng như là người dân đi lại những vùng mất an toàn để đề phòng bất trắc xảy ra.”

Đến 23h đêm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đóng điện thành công đường dây 500kV Bắc Nam, khôi phục lại liên kết toàn bộ Hệ thống điện quốc gia. Đồng thời Tập đoàn đã khôi phục xong toàn bộ các đoạn đường dây 220kV bị sự cố trong vùng bị ảnh hưởng của bão số Wutip. Về phía Đài Tiếng nói Việt Nam, ngay sau khi bão gây sự cố gãy đổ ăng ten làm chết người, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời chia sẻ và động viên gia đình nạn nhân, đồng thời chỉ đạo tập thể cán bộ nhân viên Đài Phát sóng phát thanh Đồng Hới nhanh chóng khắc phục sự cố do thiên tai. Chia sẻ mất mát với các gia đình nạn nhân, Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam hỗ trợ ban đầu mỗi gia đình người chết 15 triệu đồng, người bị thương 10 triệu đồng và cùng gia đình tổ chức đưa nạn nhân về quê mai táng.

                                          Nhóm phóng viên VOV tại Miền Trung

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu