Liên hợp quốc khẳng định bảo vệ trẻ em là "trách nhiệm pháp lý và mệnh lệnh đạo lý"

Chia sẻ
(VOV5) - Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng việc bảo vệ trẻ em cần được triển khai toàn diện, đặc biệt là cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
(VOV5) - Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng việc bảo vệ trẻ em cần được triển khai toàn diện, đặc biệt là cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột.


Ngày 18/6, dưới sự chủ trì của Malaysia, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 6/2015, cơ quan quyền lực cao nhất này của Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề “Trẻ em và xung đột vũ trang” tại trụ sở chính của tổ chức này ở New York, Mỹ. Đại diện hơn 80 quốc gia cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tham dự phiên họp. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh bảo vệ trẻ em tại các vùng chiến sự, xung đột là "trách nhiệm pháp lý và mệnh lệnh đạo lý" và điều này không bao giờ được phép bị các toan tính lợi ích quốc gia của các nước hủy hoại.

Liên hợp quốc khẳng định bảo vệ trẻ em là "trách nhiệm pháp lý và mệnh lệnh đạo lý" - ảnh 1
Các bé gái vừa được quân đội Nigeria giải cứu khỏi phiến quân Boko Haram. (Nguồn: AFP/TTXVN)


 Cũng trong phiên họp này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, thay mặt các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhấn mạnh ASEAN chia sẻ lo ngại chung của quốc tế về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trẻ em trong xung đột, khi trẻ em trở thành nạn nhân của bom đạn, không được tiếp cận các dịch vụ tối thiểu…. Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng việc bảo vệ trẻ em cần được triển khai toàn diện, đặc biệt là cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột. Bà Nguyễn Phương Nga cũng nêu rõ các biện pháp ASEAN đang triển khai, nhất là việc Ủy ban ASEAN về thúc đẩy, bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em đang nỗ lực xây dựng chương trình hành động khu vực nhằm thực hiện Tuyên bố ASEAN về loại trừ bạo lực đối với trẻ em.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu