Không khí đón xuân trên khắp mọi miền đất nước

Chia sẻ
(VOV5) Các hoạt động vui chơi, giải trí, du xuân, lễ hội đầu năm đang diễn ra tưng bừng trên khắp cả nước

(VOV5) Các hoạt động vui chơi, giải trí, du xuân, lễ hội đầu năm đang diễn ra tưng bừng trên khắp cả nước.

Tại thành phố HCM, Hội Hoa Xuân tổ chức ở Công viên Tao Đàn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh thu hút một lượng lớn du khách và người dân đến tham quan, thưởng ngoạn vui Xuân. Theo tập tục từ ngàn xưa của người Việt, du xuân trong những ngày đầu năm mới không chỉ là thưởng lãm cảnh đẹp mà còn là dịp mọi người thư thả nghĩ về những hoài niệm xưa của mình cũng như hòa mình vào không khí đón xuân chung của cả dân tộc.

Không khí đón xuân trên khắp mọi miền đất nước - ảnh 1

Bà Bùi Thị Quế, ngụ tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh nói:
Tôi cũng đi xem cảnh thôi chứ cũng không đi du lịch. Cái phong tục này thì có từ ngàn xưa rồi. Nói chung lúc nào mình cũng hy vọng con cái hiếu hạnh, thành đạt còn mình thì được mạnh khỏe

 Không khí đón xuân trên khắp mọi miền đất nước - ảnh 2
Lễ hội Gầu Tào bên suối Cát Cát ở Sa Pa 

Không chỉ là du ngoạn, vãn cảnh, ngày đầu xuân cũng là dịp để mọi người dân thành phố và du khách hòa mình vào các hoạt động vui chơi, giải trí, các loại hình văn hóa truyền thống, dân gian. Tính riêng trong 3 ngày đầu năm, Công viên văn hóa Đầm Sen đã thu hút 220.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi giải trí.


Mặc dù mùng 4 Tết mới khai hội xuân chùa Keo, ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nhưng từ hàng tuần trước Tết, du khách thập phương đã nườm nượp đổ về trảy hội chùa Keo. Ông Nguyễn Văn Luân, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Thái Bình cho biết, trong ngày chính hội, bên cạnh tín ngưỡng lễ Phật cầu may đầu năm, tại ngôi chùa cổ 400 năm tuổi này, du khách được tham gia hàng chục cuộc đua tài như bắn vịt, nấu cơm, quăng pháo đất, kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè… Đây là lễ hội xuân lớn nhất tại tỉnh Thái Bình, thu hút hàng vạn du khách từ khắp mọi miền đất nước. Để lễ hội Xuân chùa Keo diễn ra an toàn, văn minh, Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Thái Bình vận động nhân dân và ngành chức thực hiện tốt lễ hội:
Đối với các hoạt động lễ hội đầu năm, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia vận động nhân dân thực hiện tổ chức tốt lễ hội, đảm bảo an toàn tiết kiệm, nhất là không đốt vàng mã trong lễ hội. Đảm bảo văn hóa mới gắn với văn hóa truyền thống. Vận động nhân dân để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tổ chức vui xuân, nhất là các lễ hội dịp đầu xuân phải tổ chức trang trọng giữ được bản sắc văn hóa truyền thống và an toàn, lành mạnh.

Cùng với không khí đón xuân của 54 dân tộc anh em, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh cũng đang rộn ràng vui Tết, bởi từ lâu họ đã coi Tết Nguyên đán là Tết quan trọng, Tết chung của sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng, bên cạnh tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Những ngày này, ở tỉnh Trà Vinh, tại vùng có đông đồng bào Khmer không khí đón Tết tuy không rộn ràng như ở phố chợ, những nơi có đông đồng bào Kinh, đồng bào Hoa sinh sống nhưng nhà nào cũng có chậu hoa tươi thắm, cặp bánh tét, dưa hấu…ai cũng ăn mặc tươm tấc, khác hẳn ngày thường. Ông Thạch Sáng, một người Khmer ở ấp Kênh Xáng, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành nói:Tình đoàn kết Kinh-Khmer là một, Tết nguyên đán mời qua rồi Chôl Chnam mời lại. Tết nguyên đán, Tết Khmer cũng như nhau, cũng thăm viếng, tặng quà, mời mọc nhau qua lại vậy thôi.


Ngày đầu năm mọi người cũng gặp gỡ, chúc mừng vui chơi, hoàn toàn không khác biệt trong văn hóa giữa người Kinh và người Khmer. Riêng năm nay bà con có một cái Tết đầm ấp và phấn khởi hơn nhiều khi những chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc đang phát huy hiệu quả. Thượng tọa Thạch Út, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống cho biết: hiện nay đời sống kinh tế vùng đồng bào dân tộc cơ bản đã thay đổi, càng ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu, trong khi đời sống văn hóa cũng được nâng lên rõ rệt.
Đảng và Nhà nước quan tâm về mọi mặt, tạo cho đồng bào Khmer có công ăn việc làm, con cái học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, đối với đồng bào Khmer vẫn giữ nguyên tết truyền thống của mình, không mai một. Tuy nhiên chúng ta sống xen kẻ với nhau nên tết của đồng bào Kinh, bà con Khmer cũng tham gia, vui mừng, trong khi chính quyền các cấp vẫn tạo điều kiện, phát quà cho bà con chứ không phân biệt là Kinh hay Khmer”.


Từ những chính sách hiệu quả, thiết thực của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer Trà Vinh nói riêng và các dân tộc anh em nói chung, cứ mỗi dịp xuân về lại có thêm một diện mạo mới, để tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em ngày càng thắt chặt và Tết Nguyên đán thực sự là cái Tết chung của cả cộng đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu