Khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 20 của Diễn đàn APEC

Chia sẻ
(VOV5) - Chiều 8/9, Hội nghị lần thứ 20 của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại thành phố cảng Vladivostok, Liên bang Nga, với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên. Đoàn đại biểu cấp cao VN do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn dầu đã tham dự Hội nghị.

(VOV5) - Chiều 8/9, Hội nghị lần thứ 20 của các nhà Lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) khai mạc tại thành phố cảng Vladivostok, Liên bang Nga, với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên. Đoàn đại biểu cấp cao VN do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn dầu đã tham dự Hội nghị. Trong bài phát biểu chào mừng, Tổng thống Liên bang Nga V. Putin nhấn mạnh Hội nghị năm nay với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng” có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để các nhà Lãnh đạo APEC cùng trao đổi về những biện pháp tăng cường hợp tác trong bối cảnh kinh tế thế giới và ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương phục hồi chậm lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tổng thống Putin khẳng định đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, và sáng tạo là động lực của tăng trưởng bền vững, cân bằng, góp phần duy trì vai trò đầu tàu của châu Á – Thái Bình Dương trong tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Các nhà Lãnh đạo APEC coi Hội nghị là một dấu mốc ghi nhận sự lớn mạnh và gắn kết ngày càng chặt chẽ của APEC sau đúng 20 năm kể từ khi các nhà Lãnh đạo Cấp cao gặp gỡ lần đầu tiên. Hội nghị hoan nghênh Liên bang Nga vừa chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, khẳng định vị thế quốc tế ngày càng nâng cao của nước Nga.


Khai mạc Hội nghị  cấp cao lần thứ 20 của Diễn đàn APEC  - ảnh 1
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị APEC.


Tại phiên họp thứ nhất về liên kết kinh tế khu vực, các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm cùng nỗ lực tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Bogor, Chiến lược tăng trưởng mới của APEC, đồng thời ủng hộ các quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vừa diễn ra tại Mexico, nhằm phục hồi kinh tế mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Hội nghị khẳng định lại sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ và kết thúc thành công Vòng đàm phán Đô-ha. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh tính cấp thiết của nhu cầu gia tăng hợp tác và liên kết kinh tế khu vực, coi đó là "chìa khóa" để duy trì đà tăng trưởng của từng thành viên vàsự năng động kinh tế của khu vực. Trong bối cảnh trao đổi thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC không ngừng mở rộng và gia tăng mạnh mẽ, Chủ tịch nước đề xuất APEC ưu tiên hơn nữa việc thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy,bảo đảm nguồn cung ứng bền vững về năng lượng, nguồn nhiên liệu và lương thực. Trong đó, APEC cần chú trọng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phối hợp triển khai chính sách, tạo thuận lợi cho các nền kinh tế đang phát triển tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng cường hợp tác và kết nối với các chương trình, dự án liên kết và kết nối khu vực và tiểu vùng. Các thành viên APEC cũng cần nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo,vì đây chính là nhân tố then chốt đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Ngay sau phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng các nhà Lãnh đạo APEC tham dự Cuộc đối thoại với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (APEC Business Advisory Council - ABAC) – một hoạt động quan trọng được tổ chức thường niên trong các dịp Hội nghị Cấp cao. Các doanh nghiệp đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ những nội dung hợp tác mà Chính phủ các thành viên APEC đang tập trung thúc đẩy về liên kết kinh tế khu vực, chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo. Thảo luận về thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Chúng tôi xác định đầu tư nước ngoài (FDI) là một bộ phận cầu thành của  nền kinh tế VN. Kế hoạch chung của chúng tôi là cố gắng xác lập một mặt bằng chính sách không thua kém một quốc gia nào có cùng trình độ phát triển. Chúng tôi có phương châm là lãnh đạo các cấp luôn chào đón các nhà đầu tư. Nhờ vậy 20 năm chúng tôi thu hút hơn 200 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 100 tỷ USD. Hiện nay, FDI chiếm 25% dó với GPI của VN và tỷ trọng trong cuất khẩu thì GDP chiếm 1 nửa…”

Cùng ngày, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 20, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Thủ tướng các nước Nhật Bản, Singapore, Australia và Trưởng đoàn Hoa Kỳ. Trong các cuộc tiếp xúc, các vị Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Chủ tịch nước và Lãnh đạo các nước đã thảo luận về các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ đối tác hợp tác song phương và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Singapore và Australia trong năm 2013. Các vị Lãnh đạo cũng đã nhất trí cao về sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, củng cố đoàn kết và giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các nước đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017.

Buổi tối, Chủ tịch nước đã tham dự Tiệc chiêu đãi do Tổng thống V.Putin chủ trì để chào mừng các nhà Lãnh đạo APEC. . Chủ tịch nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang tham dự hội nghị.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin . Tại cuộc gặp, hai nguyên thủ đánh giá cao sự kiện ngày 5 tháng 9 năm 2012, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Liên minh thuế quan (LB Nga – Ka-dắc-tan – Bê-la-rút) ký Biên bản hoàn tất nghiên cứu tác động để có thể khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -  Liên minh thuế quan vào quý 1 năm 2013. Chủ tịch nước và Tổng thống Nga bảy tỏ tin tưởng rằng sau khi được ký kết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh thuế quan sẽ tạo khuôn khổ mới thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các bên. Hai Nguyên thủ nhất trí sẽ tích cực chỉ đạo thúc đẩy đàm phán nhằm sớm ký kết Hiệp định quan trọng này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Putin đã trao đổi và  nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và vùng Viễn Đông, Nga, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng và triển vọng như khai khoáng, chế biến đồ gỗ, may mặc, thủy hải sản, giáo dục – đào tạo… Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam quan tâm và mong muốn tham gia đầu tư  phát triển vùng Viễn Đông của LB Nga; bày tỏ tin tưởng rằng với kinh nghiệm và lợi thế của mình, Việt Nam có thể bổ sung cho Nga trong việc khai thác tối đa tiềm năng của vùng Viễn Đông. Về phần mình, Tổng thống Nga Pu-tin khẳng định Nga sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn, đầu tư tại đây.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu