Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6

Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 29/5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6) đã kết thúc tại Campuchia, với việc thông qua hai văn bản quan trọng
Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 - ảnh 1
Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bên lề ADMM-6 tại Phnom Penh, 29/5

(VOV5) - Ngày 29/5, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6) đã kết thúc tại Campuchia, với việc thông qua hai văn bản quan trọng, gồm Tài liệu Khái niệm xem xét tần suất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Tuyên bố chung về Tăng cường tính thống nhất của ASEAN vì một cộng đồng hài hòa và an ninh. Phát biểu tại đây, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã nêu rõ đánh giá và quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc phòng-an ninh ở khu vực và trên thế giới. Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, xu thế chính của thế giới hiện nay là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Về tình hình Đông Nam Á, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng khu vực nhìn chung vẫn duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ, thách thức an ninh bao gồm cả phi truyền thống và truyền thống.


Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá tình hình tranh chấp biên giới lãnh thổ ở khu vực và chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến khá phức tạp và có thể gây ra xung đột quân sự nếu các bên không nỗ lực kiềm chế. Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là một thực tế mà chúng ta không cần né tránh vì nó xảy ra trong khu vực Đông Nam Á và tranh chấp là giữa các nước ASEAN với nhau và giữa một số nước ASEAN với quốc gia ở ngoài ASEAN”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định các nước ASEAN phải quyết tâm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, để xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh vào năm 2015. Nhằm thực hiện mục tiêu này, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng các bên phải bình tĩnh, hết sức kiềm chế, tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên biển bằng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Trước mắt, các bên cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Đại tướng Phùng Quang Thanh nói: “Trong quá trình đàm phán hòa bình, quan điểm của Việt Nam là những tranh chấp song phương thì hai nước đàm phán với nhau để giải quyết. Còn những tranh chấp đa phương, giữa nhiều nước, nhiều bên, phải giải quyết đa phương, nỗ lực tìm kiếm giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được”. Bên cạnh đó, các nước cần xây dựng lòng tin, phòng ngừa xung đột bằng cách tăng cường hợp tác quốc phòng song phương cũng như đa phương trong cơ chế ADMM và ADMM+. Tuy nhiên, khi tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực, ASEAN phải giữ được vai trò chủ đạo.

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng thông báo trong khuôn khổ hợp tác ADMM+, Việt Nam và Trung Quốc đã đồng chủ trì cuộc họp Nhóm Chuyên gia Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) tại Trung Quốc vào tháng 11/2011.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Tài liệu Khái niệm xem xét tần suất tổ chức ADMM+, thống nhất tăng tần xuất tổ chức ADMM+ từ 3 năm một lần lên 2 năm một lần kể từ sau ADMM+ lần thứ 2 tại Brunây. Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã ký Tuyên bố chung, trong đó khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò của ADMM và ADMM+ trong thúc đẩy hợp tác thiết thực và can dự giữa ASEAN với các nước đối tác về các vấn đề chiến lược, quốc phòng và an ninh có ảnh hưởng tới khu vực. Tuyên bố chung cũng tiếp tục tái khẳng định cam kết của các nước thành viên ASEAN về việc thực hiện đầy đủ và hiệu qủa Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, hướng tới việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông theo đúng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu