Giá trị nhân văn của Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương

Chia sẻ
Hiện nay, trong toàn quốc có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương.

Giá trị nhân văn của Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương  - ảnh 1

Hiện nay, trong toàn quốc có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương.

Nếu coi tín ngưỡng là nét văn hóa đẹp của dân tộc, thì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có lẽ là nét văn hóa mang đậm nét nhất về quan niệm sống, cách đối nhân xử thế của con người Việt Nam. Tính độc đáo tiểu biểu trong “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO vinh danh nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Việc coi quốc gia – dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng có. Vậy làm thế nào để bảo tồn và phát huy nét đẹp này cho muôn đời sau, khi mà cuộc sống với nhiều thách thức về vật chất đôi lúc vẫn làm lu mờ đi những giá trị nhân văn cao cả. Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hôm nay, PV VOV có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS-TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia về vấn đề này.

PV: Thưa GS-TS Ngô Đức Thịnh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được hình thành và phát triển như thế nào trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta?

Giá trị nhân văn của Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương  - ảnh 2

GS-TS Ngô Đức Thịnh:
Muốn nói giá trị lớn nhất phải nói đến tại sao lại có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại ra đời. Đó là do sự kết hợp giữa đạo lý uống nước nhớ nguồn, tục thờ cúng tổ tiên ở các gia tộc, dòng họ và nhu cầu về điểm tựa về tinh thần của một quốc gia phong kiến sau thời kỳ dài Bắc thuộc. UNESCO đánh giá rất cao điều này, đó là sự dân dã, ngay từ cái tên gọi. Giỗ Tổ. Giống như chúng ta đang nói là hôm nay giỗ cha, giỗ mẹ vậy. Nếu chỉ có nhà nước thì chắc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại đến tận bây giờ. Hoặc nếu chỉ có của nhân dân thôi thì không có hình tượng Quốc Tổ, bởi có Quốc Tổ là phải có nhà nước.

Qua đó thể hiện biểu tượng cội nguồn dân tộc. Từ đó tạo nên sức mạnh vượt lên trên tất cả, đến mức triều đại nào cũng thực hành, vun đắp cho biểu tượng cội nguồn đó. Đây là một tư tưởng, triết lý, minh triết vượt lên trên sự khác biệt triều đại và thời đại.

PV: Vậy tư tưởng gửi gắm trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được phản ánh trong đời sống xa xưa như thế nào, thưa Giáo sư?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Chẳng cần viết pho sách này, chủ nghĩa kia để lưu truyền, các cụ gửi gắm tất cả vào huyền thoại. Huyền thoại Lạc Long Quân, Âu Cơ với bọc trứng để gửi gắm câu chuyện về cội nguồn. Câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh là phải khắc phục tự nhiên để có không gian sinh sống. Đấy là phản ánh lịch sử khai thác Đồng bằng bắc Bộ. Khi có nơi sinh sống rồi thì phải đấu tranh để gìn giữ nó, gửi gắm qua hình tượng Thánh Gióng. Một cậu bé lên 3 mà câu nói đầu tiên, việc làm đàu tiên là đánh quân xâm lược. Tức là nói lên chí khí của một dân tộc. Rồi cũng một chuyện gắn với thời Hùng Vương là câu chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung, gửi gắm ước vọng về tình yêu đẹp, về một xã hội thái bình. Đôi cánh của huyền thoại đã bay đi và thấm vào mỗi con người Việt Nam, vào lời kể chuyện của bà mẹ, vào lời ru của bà mẹ và trẻ em lớn lên được bồi đắp, được hiểu thông qua những chuyện đó.

Tổ chức UNESCO cho rằng: Con người Việt Nam ở tầm quốc gia dân tộc nhưng họ vẫn nghĩ rằng họ sinh ra từ một cội nguồn nên hàng năm họ đều hướng về người sinh thành ra mình, thì thể hiện một tư tưởng rất nhân bản. Còn tôi thì nghĩ rằng, phải chăng đó là biểu tượng đoàn kết dân tộc.

PV: Thưa Giáo sư, vậy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là gì khiến trải qua hàng nghìn năm vẫn được trao truyền đến tận hôm nay?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Đó là một hệ thống ý thức hệ gồm đất nước dân tộc và đoàn kết. Đó là một tư tưởng mà sau này Bác Hồ đã đúc kết lại. Khi hòa bình lập lại, chiến thắng Điện Biên Phủ xong, chúng ta tiếp quản Thủ đô, không ngẫu nhiên mà Bác Hồ lại ghé vào đền Hùng. Bác nghĩ rằng phải vào đó để tạ ơn tô tiên và nói một câu rất ngắn nhưng vô cùng ý nghĩa rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Nói đến Vua Hùng, nói đến cội nguồn dân tộc, đến Tổ quốc. Vua Hùng là biểu tượng, là nguồn sức mạnh của dân tộc ta.

PV: Trong tiến trình phát triển của đất nước từ thời phong kiến đến thời hiện đại hôm nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển như thế nào trong đời sống người dân Việt, thưa giáo sư ?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Lê Thánh Tông là người đầu tiên hệ thống và xây dựng lại ngọc phả của Hùng Vương. Hiện nay ngọc phả mà chúng ta có được chính là từ đó. Cũng trong thế kỷ 15, sử gia Ngô Sĩ Liên trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư cũng đưa thời kỳ Hùng Vương vào lịch sử của dân tộc. Đến thời Nguyễn thì bắt đầu xây dựng hệ thống đền miếu để thờ và hình thành nên quy cách thờ cúng. Tôi còn nhớ trong lịch sử còn ghi lại chi tiết rất hay đó là thời Nguyễn khi xây dựng quy cách thờ cúng Hùng Vương thì có nói là 2 năm một lần, triều đình sẽ cử các quan ra để thay mặt vua tế Quốc Tổ. Còn những năm lẻ thì triều đình ủy thác cho làng – nơi giữ hương hỏa vua Hùng cúng giỗ.


Những năm như vậy, triều Nguyễn gửi ra 3 đấu gạo nếp thơm để dân nấu dâng lên Quốc Tổ. Một việc làm nghe rất bình thường nhưng cho thấy sự tôn trọng người dân của vua nhà Nguyễn. Đến xã hội chúng ta dù đất nước chia cắt 2 miền, ở ngoài này chúng ta có đền Hùng thì miền Nam cũng xây dựng biểu tượng Hùng Vương. Như vậy, thời nào cũng thế, vận nước lúc thịnh lúc suy nhưng không năm nào quên ngày giỗ Tổ.

PV: Cũng giống như các di sản văn hóa khác của dân tộc, bên cạnh vinh danh là nỗi lo bảo vệ. Thưa GS-TS Ngô Đức Thịnh, ông có lo ngại điều gì đối với tín ngường thờ cúng Hùng Vương trong thời đại hiện nay không?

GS-TS Ngô Đức Thịnh: Có những nơi xã tổ chức lễ hội phải bỏ tiền quỹ ra trả cho người dân đi hội. Một lễ hội xưa người dân nô nức tham dự, bỏ tiền ra tổ chức thì giờ người dân khi đi lại được trả tiền. Đó là hình ảnh méo mó biến dạng đi nguy hiểm. Bởi vì sao, vì người dân không còn làm chủ nữa, anh trả tiền thì tôi đi. Nên năm đã thấy bắt đầu có sự nhận thức, bắt đầu để người dân thể hiện vai trò của mình trong thờ cúng Hùng Vương. Đặc biệt trong nghi thức nhận bằng thì không chỉ có ông chủ tịch tỉnh, giám đốc sở văn hóa mà còn có bốn cụ là thủ từ của bốn đền ở đó đứng ra. Muốn phát huy di sản thì phải làm sao phát huy được vai trò của người dân trong việc thờ cúng Vua Hùng, lễ hội đền Hùng./.

PV: Xin cám ơn GS-TS Ngô Đức Thịnh!./.                                             

Mai Lan

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu