Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 - Nhiều đoàn quan tâm tới những diễn biến nguy hiểm trên Biển Đông

Chia sẻ
(VOV5) - Tối 30/5, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 khai mạc tại Singapore với sự tham dự của hơn 400 đại biểu chính thức đến từ khoảng 30 nước và tổ chức quốc tế. 

(VOV5) - Tối 30/5, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 khai mạc tại Singapore với sự tham dự của hơn 400 đại biểu chính thức đến từ khoảng 30 nước và tổ chức quốc tế.


 
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam tham dự đối thoại lần này do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu. Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với tư cách là diễn giả chính của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, bày tỏ sự ủng hộ của Nhật Bản với các nước thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đảm bảo an ninh tại các khu vực biển và bầu trời cũng như việc duy trì tự do hàng hải và tự do cho các chuyến bay trên không. Ông khẳng định Nhật Bản chủ trương đóng vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong việc đảm bảo hòa bình tại châu Á và trên thế giới. Thủ tướng Nhật Bản cũng nêu bật tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và ba nguyên tắc liên quan tới luật biển, đó là các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên cơ sở luật pháp quốc tế, các quốc gia không được sử dụng vũ lực để giành chủ quyền và các quốc gia phải giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Thủ tướng Abe nêu rõ: “Chính phủ (Nhật Bản) ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Philippines trong việc kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thực sự phù hợp với ba nguyên tắc đó” và “Chúng tôi cũng ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề thông qua đối thoại”. Ông kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 Đối thoại Shangri-La 2014 có 5 phiên họp toàn thể về các chủ đề: đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất chiến lược; triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương; và đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, còn có 5 phiên họp đặc biệt về thách thức của việc duy trì và giải quyết các vùng biển khơi; ảnh hưởng của năng lực quân sự mới tại châu Á – Thái Bình Dương; biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) và an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương; ASEAN và trật tự an ninh khu vực đang nổi; và tương lai của CHDCND Triều Tiên liên quan với an ninh khu vực.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 - Nhiều đoàn quan tâm tới những diễn biến nguy hiểm trên Biển Đông  - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh gặp song phương với Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung - Ảnh: TTXVN


Trong các cuộc tiếp xúc song phương với đoàn Việt Nam, trưởng đoàn các nước New Zealand, Singapore và Nga đều bày tỏ sự quan tâm tới tình hình căng thẳng ở Biển Đông từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tại các cuộc gặp song phương với Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng New Zealand Jonathan Coleman và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Singapore Ng Eng Heng đều bày tỏ sự quan tâm về những diễn biến nguy hiểm hiện nay tại Biển Đông, đang đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thông báo với những người đồng cấp hai nước nói trên, rằng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam đã tích cực liên hệ đối thoại với phía Trung Quốc ở nhiều cấp với mong muốn hai bên kiềm chế, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam hết sức kiềm chế và quyết tâm bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp hòa bình. Trong cuộc gặp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết, Nga luôn tin tưởng và coi trọng quan hệ với Việt Nam. Nga cũng theo dõi rất sát sao tình hình khu vực nên nắm rõ vấn đề đang diễn ra trên Biển Đông và ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, phản đối những hành động có thể gây mất ổn định trong khu vực. Tại cuộc gặp Trung tướng Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam không thể chấp nhận hành động của Trung Quốc và kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu