Đoàn kiều bào đi thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Đàm Thủy, tỉnh Cao Bằng.

Lan Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Sáng 09/4, hoạt động mở đầu trong chương trình của đoàn kiều bào dự lễ giỗ tổ Hùng Vương 2013 , lên thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

(VOV5) - Sáng 09/4, hoạt động mở đầu trong chương trình của đoàn kiều bào dự lễ giỗ tổ Hùng Vương 2013 là lên thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đồn biên phòng Đàm Thủy thành lập năm 1977, được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài trên 18,6 km, gồm 60 cột mốc, có địa hình quanh co, phức tạp. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc đường biên, giữ vững chủ quyền quốc gia, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn giúp bà con dân tộc Tày, Nùng tăng gia sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc vùng biên giới.


Đoàn kiều bào đi thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Đàm Thủy,  tỉnh Cao Bằng. - ảnh 1


Đại tá Địch Xuân Thùy, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết: Trong bước đầu thực hiện nhiệm vụ quản lý đường biên giới theo hiệp ước Pháp- Thanh từ năm 1887-1895, văn bản pháp lý chưa được rõ ràng. Đến năm 1999, hiệp ước ra đời trong quá trình rất gian nan. Từ năm 2001 bắt đầu phân giới cắm mốc. Cột mốc 836(2) là mốc cuối cùng là 14/1/2009 mới hoàn thành. Sau khi phân giới cắm mốc, bộ đội biên phòng tổ chức quản lý bảo vệ biên giới. Ngoài ra, trong quá trình bảo vệ, lực lượng biên phòng hai bên Việt Nam- Trung Quốc  tổ chức tuần tra song phương.


Đoàn kiều bào đi thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Đàm Thủy,  tỉnh Cao Bằng. - ảnh 2
Bà con kiều bào chụp ảnh với chiến sĩ đồn biên phòng Đàm Thủy

Nhân dịp này, bà con kiều bào đã quyên góp và trao một số tiền và hiện vật như sách, áo rét tặng các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng.

Đoàn kiều bào đi thăm cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Đàm Thủy,  tỉnh Cao Bằng. - ảnh 3

Bà con kiều bào chụp ảnh bên cột mốc biên giới tại Thác Bản Giốc

Sau khi thăm đồn biên phòng, đoàn tham quan thác bản Giốc, một tuyệt tác của thiên nhiên. Với độ cao trên 30 m, đây là ngọn thác đẹp nhất của Việt Nam. Ở giữa thác chính là cột mốc biên giới Việt – Trung. Ông Nguyễn Như Dũng, kiều bào ở Ăng-gô-la không giấu được sự ngỡ ngàng khi tới thăm dòng thác hùng vĩ này. ông nói: Từ khi học phổ thông tôi đã được nghe về thác Bản giốc này. Và hôm nay thực mắt tôi đã được nhìn thấy. Tôi cảm thấy thác này rất là đẹp và đã được phân chia rất rõ ràng, rành mạch là bên Trung Quốc giữ một nửa và bên Việt Nam chúng ta giữ một nửa. Và dòng sông ở dưới thác là dòng sông chung. Chủ quyền của chúng ta đã được phân chia rất rõ ràng. Và chúng ta cùng thế hệ sau này cố gắng giữ gìn cho thật tốt để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.


Chiều cùng ngày, đoàn gặp mặt và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng. Cao Bằng là một tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc, đường biên giới dài 322 km, có 3 cửa khẩu giáp với Trung Quốc, là nơi sinh sống của 52 vạn đồng bào thuộc 9 dân tộc. Tỉnh Cao Bằng đang tiến hành phát triển hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, Tà Lùng…/.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu