Các tỉnh biên giới phía bắc chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm

Chia sẻ
(VOV5) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A (N7N9) đang hoành hành ở Trung Quốc,  tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, địa phương giáp Trung Quốc, đang tích cực triển khai phòng, chống dịch.

(VOV5) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A (N7N9) đang hoành hành ở Trung Quốc,  tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam, địa phương giáp Trung Quốc, đang tích cực triển khai phòng, chống dịch. Cùng với việc khẩn trương tiêm phòng ở các đàn gia cầm và tiến hành khử trùng, tiêu độc môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã quyết định thành lập 6 chốt kiểm soát liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tỉnh yêu cầu các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cần chủ động, tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đồng thời, các ngành, các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.

Các tỉnh biên giới phía bắc chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm - ảnh 1
Gia cầm nuôi trong nước cần kiểm soát gắt gao. Ảnh VGP



Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cho biết: " Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cần làm mạnh hơn, bởi người dân hiện vẫn còn nhiều nhận thức chưa đủ, chưa đúng về công tác phòng dịch. Bên cạnh đó, phân công cho các thành viên ban chỉ đạo phải bám sát địa bàn, nếu xảy ra dịch thì cần phải xem lại trách nhiệm. Còn về chống dịch, nhất định phải dập tắt ngay, không để lây lan. Hạn chế tối đa dịch cúm gia cầm xuất hiện tại Quảng Ninh".

Tại tỉnh miền núi biên giới Hà Giang, UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo tất cả bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa tuyến huyện dự trù đủ cơ số thuốc, nhân lực, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly sẵn sàng khám, tiếp nhận bệnh nhân vào bệnh viện. Duy trì hoạt động của Đội chống dịch cơ động tại bệnh viện, thường trực 24/24 sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đặc biệt, các đơn vị kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu cần tăng giám sát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Việt Nam./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu