Bữa cơm giải xui và phong tục đón Tết của người Nùng

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Cũng giống nhiều dân tộc anh em khác, người Nùng ăn tết Nguyên Đán to nhất trong năm. Những ngày Tết của người Nùng gắn liền với một số phong tục độc đáo mang  bản sắc riêng, trong đó “bữa cơm giải xui” cuối năm vẫn được người Nùng Phàn Slình ở tỉnh Lạng Sơn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày nay. 
(VOV5) - Cũng giống nhiều dân tộc anh em khác, người Nùng ăn tết Nguyên Đán to nhất trong năm. Những ngày Tết của người Nùng gắn liền với một số phong tục độc đáo mang  bản sắc riêng, trong đó “bữa cơm giải xui” cuối năm vẫn được người Nùng Phàn Slình ở tỉnh Lạng Sơn truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến ngày nay. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Tết của người Nùng Phàn Slình thực sự bắt đầu bằng bữa cơm giải xui chiều 30 Tết (chiều ngày cuối cùng trong năm) với ý nghĩa xua đi những điều không may mắn của năm cũ. Món ăn chính trong bữa cơm cuối năm là thịt vịt. Theo quan niệm của người Nùng Phàn Slình, con vịt là loài động vật giải xui tốt nhất. Ông Lương Văn Bạch , người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn cho biết: "Ngày 30 Tết là ngày cuối năm chuyển giao với năm mới. Theo các cụ truyền lại, ngày cuối năm trong mâm cơm bao giờ cũng phải có món thịt vịt để giải xui, để điều không may của năm cũ được đưa đi hết, đón năm mới nhiều mới mẻ. Giải xui cũng để mong cho mọi người trong nhà được mạnh khoẻ, bình an, con cháu  học hành tiến bộ".


 Bữa cơm giải xui và phong tục đón Tết của người Nùng  - ảnh 1
Người Nùng chuẩn bị cỗ Tết


Món thịt vịt trong mâm cơm giải xui cuối năm có thể được chế biến thành nhiều cách khác nhau như: vịt quay với lá mắc mật và mật ong, vịt luộc, vịt om với khoai sọ, ăn với rau rừng. Nhưng phổ biến vẫn là món vịt nấu măng chua, làm từ măng tre có sẵn ở vùng rừng núi. Dù chế biến theo cách nào thì các món thịt vịt này đều phải được ăn hết và không được để sang năm mới. Anh Lương Chí Sùng, cán bộ văn hoá ở Lạng Sơn cho biết: Tục ngữ Nùng còn có câu:“Bươn chiên bấu khả pết, Bươn chất bấu khả cáy” Nghĩa là sang tháng giêng (tháng đầu năm mới) thì không ăn vịt, tháng bảy không ăn  gà, bởi làm vậy sẽ không may mắn. Tập tục kiêng kỵ này của người Nùng có từ lâu đời nhưng vẫn tồn tại  đến ngày nay. 

Cùng với việc chuẩn bị cẩn thận đồ ăn cho bữa ăn giải xui cuối năm, người Nùng còn chuẩn bị kỹ các món ăn để đón đầu năm mới. Đa phần các gia đình tự làm lấy các món ăn để qua đó, khách đến chơi biết được tài nghệ của gia chủ. Ông Hoàng Văn Tỏ, người Nùng Phàn Slình Lạng Sơn, cho biết: "Phong tục  tập quán ở địa phương chúng tôi như việc ăn, mặc, cúng bái ngày Tết cũng có những điểm khác, ví dụ cỗ ngày Tết đầu năm, ngoài bánh chưng, bao giờ cũng phải có thịt gà trống thiến, gạo nếp đồ thành xôi hay giã bẹt rồi rang lên làm bánh bỏng,  rồi từ gạo nếp rang xay, nghiền thành bột, vo với đường, cho vào khuôn làm thành thứ  bánh cao (còn gọi là bánh khảo)".

Vào những ngày Tết, bàn thờ tổ tiên của các gia đình Nùng được lau chùi sạch sẽ, dán giấy đỏ, các ống cắm hương được rửa bằng nước lá thơm. Trên bàn thờ bày biện cỗ gồm bánh chưng, gà trống thiến luộc kỹ, bánh kẹo, thịt lợn, đĩa ngũ quả, 2 cây vạn niên. Hương thơm còn được thắp ở cạnh bếp và ngoài cửa. Hương trên bàn thờ không được tắt mà phải thắp liên tục. Điều cấm kỵ nhất là đêm 30 và đêm mùng 1 tết, người Nùng không đốt lửa ngoài đường.

Sau bữa cơm chiều giải xui cuối năm, cả nhà quây quần cùng thức đón giao thừa. Đúng giờ phút sang xuân, mọi nhà đều thắp hương và theo tập tục mọi nhà đều mở toang cửa, các cô gái quẩy thùng ra suối múc nước để lấy tài lộc (đón điềm may mắn) vào nhà. Mọi người vui vẻ chúc nhau những lời tốt đẹp nhất trong không khí gia đình ấm cúng.  

 Bữa cơm giải xui và phong tục đón Tết của người Nùng  - ảnh 2
Trang phục dân tộc truyền thống của thiếu nữ Nùng Phàn Slình Lạng Sơn


Ngày đầu tiên của năm mới, các nhà đều kiêng không quét nhà, giặt giũ, không sử dụng cối chày... để cả năm khỏi làm ăn xui xẻo. Họ cũng không sang nhà khác vì sợ sẽ đem lộc trong nhà đi hết. Từ chiều mùng ngày mùng một Tết trở đi mọi nhà mới sang thăm và chúc Tết lẫn nhau. Nếu người đầu tiên đến xông nhà là nam giới, giỏi làm ăn, tốt tính, gia đình hạnh phúc được coi là rất may mắn. Theo lệ xưa thường có một lão nông phúc hậu, khỏe mạnh đông con cháu gọi là ông “Khai vài xuân” đến từng nhà trong bản chúc gia chủ năm mới an khang, thịnh vượng, rồi dán một tờ giấy vuông đỏ lên chuồng gia súc của mọi nhà. Người Nùng tin rằng làm như vậy súc vật sẽ sinh sôi đầy đàn xua đuổi mọi điều xấu trong năm cũ. Bởi thế ông “Khai vài xuân” đều được các gia đình đón tiếp nồng hậu và tặng cho ông nhiều quà, bánh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu