Biểu dương người có uy tín 5 tỉnh vùng Tây Bắc

Chia sẻ
Sáng ngày 25/7, tại TP. Vinh (Nghệ An), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, dự Hội nghị biểu dương người có uy tín 5 tỉnh vùng Tây Bắc.
Sáng ngày 25/7, tại TP. Vinh (Nghệ An), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, dự Hội nghị biểu dương người có uy tín 5 tỉnh vùng Tây Bắc.

 

Biểu dương người có uy tín 5 tỉnh vùng Tây Bắc - ảnh 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu người có uy tín tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Hơn 280 đại biểu người có uy tín 5 tỉnh vùng Tây Bắc (Yên Bái, Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá và Nghệ An) đại diện cho 6.241 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số về dự Hội nghị lần này.

Trong những năm qua, người có uy tín đã phát huy vai trò của mình trong công tác tuyên truyền giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên các địa bàn dân cư, vận động bà con và con cháu thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, góp phần gìn giữ bình yên cho bản làng. Người có uy tín đóng vai trò hạt nhân trong việc tham gia phản ánh nguyện vọng, tâm tư của nhân dân tại cơ sở với Đảng, Nhà nước và trong các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hoá dân tộc mình vận động nhân dân xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong ốm đau, ma chay, cưới xin…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đây là dịp biểu dương những đóng góp của người có uy tín đối với sự phát triển của địa phương và phong trào đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh vùng Tây Bắc cần tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy vai trò trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, người có uy tín cần nêu cao vai trò gương mẫu trong cộng đồng, tiếp tục nỗ lực vươn lên, đi đầu trong các hoạt động cộng đồng, vận động con cháu trong dòng họ chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.

Các cơ quan Nhà nước cũng cần quan tâm đến việc tạo điều kiện, bồi dưỡng con em đồng bào các dân tộc được đi học, tham gia chính quyền, phục vụ nhân dân.

Tại Hội nghị, những người có uy tín đã báo cáo những việc mình đã làm tốt trong cộng đồng dân cư.

Ông Lò Văn Biến, bản Căng Nà, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, là người nổi tiếng trong vùng với danh hiệu “Nhà Thái học” của đồng bào người Thái ở Yên Bái. Năm nay đã 79 tuổi nhưng với tâm huyết dành cho nền văn hoá dân tộc Thái, ông đã vận động bà con mở 6 lớp học tiếng Thái cổ cho 160 học viên; ông đã dịch nhiều sách, tài liệu từ tiếng Thái sang tiếng Việt; làm chủ biên và phối hợp với nhiều cơ quan trong việc biên soạn tài liệu giảng dạy cho các lớp cán bộ công tác tại vùng dân tộc Thái. Bên cạnh đó, ông còn phổ biến được 6 điệu xoè của người Thái cổ cho các thế hệ trẻ trong vùng để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc mình.

Là Bí thư Chi bộ tại một bản biên giới Pù Toong với 100% là người Mông ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, ông Lầu Thanh Mai đã vận động các đảng viên và bà con xây dựng quy ước, hương ước để nâng cao chất lượng hoạt động của Chi bộ, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu.

Đến nay, bản Pù Toong đã trở thành bản văn hoá, an ninh trật tự được bảo đảm. Đảng viên trong Chi bộ đã tích cực hướng dẫn bà con hướng làm ăn mới để phát triển kinh tế, xoá bỏ đói nghèo.

Sống ở một trong những địa bản “nóng” nhất của tỉnh Hoà Bình về tệ nạn buôn bán ma tuý là bản Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, ông Vàng A Tình, dân tộc Mông đã góp nhiều công sức trong việc vận động đồng bào không nghe kẻ xấu đi buôn bán thuốc phiện, ma túy. Ông đã vận động các đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú, vận động người nghiện đi cai nghiện và bảo ban con cháu xây dựng gia đình văn hoá, bỏ nạn tảo hôn. Đặc biệt, ông đã vận động bà con hai xã Hang Kia, Pà Cò giao nộp cho chính quyền trên 300 khẩu súng săn, súng kíp.

Những việc làm của người có uy tín đã góp phần tăng cường tình đoàn kết của nhân dân trong xóm, thôn, làng, bản địa phương, xây dựng nếp sống văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự.


Theo chinhphu.vn

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu