Xây dựng lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định

Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định.

Sáng nay (31/8), tại Hà Nội, Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam” (VPE500 – Báo cáo 2023). Theo đánh giá này, doanh nghiệp dịch vụ chiếm số lượng nhiều nhất, tiếp đến là doanh nghiệp ngành tài chính, Ngân hàng, bảo hiểm.

Nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam hoạt động vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung về quy mô và kết quả kinh doanh cũng như tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Nhóm doanh nghiệp này cũng thực hiện đổi mới sáng tạo và tự động hóa hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác. Mặc dù xuất hiện ở 53/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng những doanh nghiệp tư nhân lớn tập trung chủ yếu ở 2 khu vực Đồng bằng sông Hồng và khu vực Đông Nam bộ (chiếm 75%).

Xây dựng lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định - ảnh 1Các chính sách với doanh nghiệp cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Ảnh: TTXVN

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của nền kinh tế. 

Cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để tăng năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu. Bên cạnh đó, cần có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban quốc tế, Viện chiến lược phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: "Để có được những doanh nghiệp lớn từ những doanh nghiệp trẻ như ở nước ta, thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, mà ở đây là việc hỗ trợ thực chất chứ không chỉ là giảm một số thứ, như phí hay một số thủ tục hành chính. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Chính phủ phải hỗ trợ doanh nghiệp và dùng những hỗ trợ rất đặc biệt để có được những doanh nghiệp lớn."

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu