Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh

Chia sẻ
(VOV5) -

Sáng nay (22/11), tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”.

Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh - ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”. Ảnh: VOV

Phát biểu tại đây, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh nền sản xuất công nghiệp hiện đại gắn với những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất, do đó, người lao động phải có năng suất lao động, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, hệ tư tưởng khoa học thích ứng phù hợp với các ngành mới, như: AI, bán dẫn trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… : "Để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa cần đội ngũ những người công nhân, những người lao động có đủ năng lực, phẩm chất để vận hành nền công nghiệp hiện đại ấy. Công nhân kỹ thuật số, công nhân hiện đại, công nhân lớn mạnh như chúng ta mong đợi. Chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội, vượt qua mọi thách thức, đôi khi thách thức lại là cơ hội để phát triển, chủ động hội nhập quốc tế như thế nào gắn với nguồn lực trong nước".

Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại chính là khâu chuẩn bị nhân lực cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển. Các đại biểu cũng phân tích, đánh giá kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; thảo luận và dự báo xu hướng biến đổi, phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045. Từ đó, đề xuất giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại, nâng cao năng lực tiếp cận, làm chủ khoa học và công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt ở một số ngành, lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu