Ngày 8/10, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế của Đại hội đồng Liên hợp quốc (Uỷ ban 1) tiến hành phiên thảo luận chung về các vấn đề đang nổi lên liên quan đến hòa bình, an ninh quốc tế và giải trừ quân bị, với sự tham gia của đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc và đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng để thúc đẩy giải trừ quân bị hiệu quả, các quốc gia cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, cắt giảm chi tiêu quân sự nhằm dành nguồn lực cho phát triển và thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, đồng thời, nỗ lực hơn nữa trong xây dựng, nuôi dưỡng lòng tin nhằm mở đường cho đối thoại và thương lượng.
Đại sứ khẳng định Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giải trừ quân bị toàn diện và triệt để, trong đó ưu tiên cao nhất là loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhấn mạnh cần củng cố các thể chế giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân hiện có, trong đó việc thực hiện đầy đủ Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) là nhân tố quyết định nhằm từng bước tiến tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.
Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam kêu gọi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ký và phê chuẩn “cả gói” đối với Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Bên cạnh đó, việc kiểm soát và quản lý hiệu quả các loại vũ khí thông thường, phòng chống việc buôn bán trái phép vũ khí hạng nhẹ, vừa bảo đảm tôn trọng nhu cầu an ninh và quốc phòng chính đáng của các quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt trong duy trì ổn định và trật tự tại các nước.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tích cực vào các công việc của Uỷ ban 1, đồng thời ủng hộ nỗ lực hướng tới mục tiêu chung về một thế giới hoà bình, an ninh và phát triển.