Với việc chế tạo thành công bộ sinh phẩm (kit) chẩn đoán COVID- 19, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia làm chủ công nghệ này. Và mới đây, bộ Kit chẩn đoán này của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sau khi trải qua 5 vòng thử nghiệm và đánh giá nghiêm ngặt. Còn trước đó, Vương quốc Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu và chứng nhận lưu hành tự do cho bộ sinh phẩm này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bộ Y tế)
|
Theo GS.TS Lê Bách Quang, với việc nhận được sự chấp thuận của các tổ chức quốc tế, giúp bộ Kit chẩn đoán COVID-19 của Việt Nam dễ dàng được xuất khẩu ra các nước trên toàn thế giới, nhưng xa hơn, từ thành công này, còn mở ra cơ hội để các sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán bệnh khác “made in Vietnam” bước ra thị trường quốc tế: “Trong khi một số nước như Mỹ thì đã phải dừng lại một số bộ kit ở một số bang do một số lỗi kỹ thuật, thì Việt Nam lại được đánh giá cao về bộ kit này. Điều này cho thấy trình độ nghiên cứu của ta cũng không tụt hậu so với các nước phát triển. Và điều này cũng chứng tỏ rằng, nếu như chúng ta có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, với các nhà quản lý và doanh nghiệp thì chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để xuất khẩu các sinh phẩm y tế giúp cho việc chẩn đoán sớm các bệnh, không chỉ là bệnh truyền nhiễm mà còn cả các bệnh hiểm nghèo khác nữa”.
Theo các chuyên gia, để các sản phẩm của Việt Nam sớm ra được thị trường, cũng đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành khi có chiến lược đầu tư bài bản, cũng như tạo thuận lợi trong việc thử nghiệm, đánh giá, cấp phép cho các sản phẩm.
Trên thực tế, với bộ Kit chẩn đoán COVID-19, đây là sự đầu tư dài hơi, bài bản ngay từ nhiều năm trước của ngành khoa học và công nghệ khi triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu cấp Quốc gia như nghiên cứu Kit phát hiện Ebola, kit phát hiện bệnh lao, kit phát hiện lao kháng thuốc.