Việt Nam hoàn toàn chủ động trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực

Chia sẻ
(VOV5) - Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ về xuất khẩu gạo. 

Sáng nay (4/8), tại Cần Thơ, diễn ra Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo. Hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức.

Việt Nam hoàn toàn chủ động trong vấn đề đảm bảo an ninh lương thực - ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VOV

Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, tín hiệu đáng mừng cho thấy đến hết tháng 7 vừa qua, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như Liên minh Châu Âu (EU).

Tại hội nghị, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tình hình sản xuất lúa gạo, đặc biệt ở vùng ĐBSCL đang rất thuận lợi. Vì vậy, cơ hội xuất khẩu gạo là rất lớn, có thể đạt mức trên 7,5 triệu tấn:“Với những gì đã chuẩn bị thì Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động đảm bảo an ninh lương thực cũng như chủ động trong xuất khẩu. Tôi có thể khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn yên tâm là đảm bảo an ninh lương thực ở mức độ cao nhất, có những giải pháp phù hợp nhất để đối phó với những vấn đề thiên tai hoặc dịch bệnh nếu xảy ra trên diện rộng”.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 10 năm qua. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ về xuất khẩu gạo. Gần đây nhất, sau khoảng hai tuần kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu (từ ngày 20/7), giá gạo Việt Nam đã tăng đáng kể. Từ nay đến cuối năm, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước còn rất lớn. Đây là cơ hội của Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: Giá xuất khẩu một số chủng loại gạo hiện đã lập mức kỷ lục trong 11 năm qua và giá thóc gạo hàng hóa của người dân cũng cao hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ đạo rất tích cực và các địa phương cũng đã nỗ lực, nhất là khu vực ĐBSCL diện tích khoảng 700.000 ha, tăng hơn 50.000 ha so với năm ngoái, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn lúa. Trong điều kiện bình thường với dự kiến này, sau khi đã đảm bảo an ninh lương thực thì rất có thể xuất khẩu 7,5 cho đến 8 triệu tấn lương thực”.

Bộ Công thương khẳng định luôn theo dõi sát diễn biến thị trường để không bị động, bất ngờ trước những diễn biến, thay đổi của thị trường xuất khẩu; tận dụng thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu