Việt Nam chia sẻ tầm nhìn cùng thế giới ứng phó các thách thức toàn cầu và phục hồi kinh tế

Chia sẻ
(VOV5) - Trong 2 ngày 20/10 và 21/10 tại Geneva, Thụy Sĩ diễn ra Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề “Đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo và giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu”.

Trong 2 ngày 20/10 và 21/10 tại Geneva, Thụy Sĩ diễn ra Phiên thảo luận cấp cao với chủ đề “Đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo và giải quyết các thách thức cấp bách toàn cầu”, trong khuôn khổ Khóa họp cấp cao lần thứ 72 Ủy ban Thương mại và Phát triển, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

Việt Nam chia sẻ tầm nhìn cùng thế giới ứng phó các thách thức toàn cầu và phục hồi kinh tế - ảnh 1Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng/TTXVN

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Geneva và cán bộ của Phái đoàn tham dự Phiên họp và chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam trong việc chung tay cùng thế giới ứng phó các thách thức toàn cầu.

Đại diện Việt Nam phát biểu tại Phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, bao gồm UNCTAD, trong quản trị toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu chung; ủng hộ việc thực hiện các tầm nhìn và lộ trình được nêu trong Thỏa ước Bridgetown, được các thành viên UNCTAD thông qua tại Hội nghị UNCTAD-15 tháng 10/2021, nhằm giúp các quốc gia vượt qua bất bình đẳng và tình trạng dễ bị tổn thương, hướng tới phục hồi toàn diện và bền vững sau đại dịch COVID-19.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh cần có những giải pháp và hành động phối hợp ở cả cấp độ quốc tế, khu vực và quốc gia để giải quyết các thách thức đan xen, tạo điều kiện cho tăng trưởng bao trùm và bền vững, trong đó người dân cần phải được đặt vào trung tâm của mọi chính sách và chiến lược phát triển.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục đóng góp cho an ninh lương thực toàn cầu, duy trì thương mại mở trên cơ sở hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm trung tâm, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Việt Nam tiếp tục tham gia các sáng kiến và cam kết thích ứng với biến đổi khí hậu như mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu