Tự do tôn giáo, tín ngưỡng không có nghĩa không quản lý

Ngọc Thành
Chia sẻ
(VOV5) -  Luật Tôn giáo, tín ngưỡng phải thể hiện rõ quan điểm đảm bảo quyền của người dân nhưng không có nghĩa không có sự quản lý nhà nước.

(VOV5) -  Luật Tôn giáo, tín ngưỡng phải thể hiện rõ quan điểm đảm bảo quyền của người dân nhưng không có nghĩa không có sự quản lý nhà nước.

Sáng 14/8, thảo luận về dự thảo Luật Tôn giáo, tín ngưỡng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, nhìn chung dự thảo Luật đã cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013, bổ sung các quy định về nội hàm của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù và các hình thức quản chế khác; mở rộng quyền và cơ chế bảo đảm cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được sinh hoạt và hoạt động tôn giáo tại Việt Nam như đối với công dân Việt Nam.

Bảo đảm quyền tự do nhưng cấm cũng phải rõ

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng mục tiêu đặt ra khi xây dựng luật này là rất tốt, nhằm bảo đảm quyền của người dân được Hiến pháp ghi nhận. Tuy vậy, dự thảo đọc lên có cảm giác nặng về quản lý nhà nước vì chỗ nào cũng thấy cho phép, chấp thuận, đăng ký, công nhận.

tu do ton giao, tin nguong khong co nghia khong quan ly hinh 0
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai
 phát biểu tại phiên họp


Bà Mai đề nghị tăng cường thêm điều luật liên quan đến việc quyền, nghĩa vụ của mọi người để được nhà nước tôn trọng, bảo hộ tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các quy định cấm cũng cần được thể hiện cụ thể hơn.

“Quan điểm là hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không có nghĩa không quản lý. Việc gì cấm phải rõ ràng, không thể mơ hồ. Thực tế có cái ta gọi là tà giáo, hoạt động mê tín dị đoan cần loại bỏ thì điều cấm chưa thể hiện rõ”, Chủ nhiệm Trương Thị Mai nói.

Dự thảo luật quy định hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phải đăng ký. Nhưng theo bà Mai, lễ hội rất nhiều và diễn ra bình thường, “đến hẹn lại lên” có nên cần làm động tác đăng ký không? Nên chăng chỉ những hoạt động nào diễn ra lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian dài gián đoạn thì nên đăng ký.

Hoạt động đạo, tín ngưỡng trái phép diễn biến phức tạp

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng cho biết, xu hướng hoạt động tín ngưỡng tôn giáo ngày càng tăng, đặc biệt là ở các địa bàn chiến lược. Trong đó có xu hướng đáng quan tâm là hoạt động đạo, tín ngưỡng trái phép gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong khi đó luật này chưa làm rõ, tách bạch được tín ngưỡng và tôn giáo.

tu do ton giao, tin nguong khong co nghia khong quan ly hinh 1
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa


“Luật này ban hành có làm được như mục tiêu xác định. Thực tế có những hoạt động không chỉ trái pháp luật mà còn trái luôn với cả giáo lý, giáo luật của tôn giáo đó. Có những đạo được cói là tổ chức trái phép nhưng hỏi là tổ chức tín ngưỡng hay tôn giáo lại khó”, ông Khoa nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với bà Trương Thị Mai, ông Khoa cho rằng luật phải đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quan điểm của Đảng, Nhà nước nhưng phải đáp ứng được cả quản lý Nhà nước, quy định không nên thiên về quản lý hành chính.

“Cần xác định rõ quyền, nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo và chức sắc tôn giáo. Bảo đảm tự do tôn giáo theo Hiến pháp, nhưng hoạt động của anh trong giáo lý, giáo luật thôi. Ví dụ khi truyền giáo phải đúng theo nghĩa truyền giáo, chứ lợi dụng làm việc khác là không được”, ông Khoa nêu quan điểm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu