TPP-11 có tên gọi mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Chia sẻ
(VOV5) - Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP là một Hiệp định đảm bảo cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. 

Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các Bộ trưởng phụ trách Kinh tế của 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Đà Nẵng trong các ngày 8, 9 và 10/11 để thảo luận việc sớm đưa Hiệp định TPP vào thực thi trong tình hình mới.

Trên cơ sở kết quả trao đổi giữa các nước từ sau cuộc họp cấp Bộ trưởng các nước TPP tại Hà Nội vào tháng 5/2017, các Bộ trưởng đã đồng ý với tên gọi mới của Hiệp định TPP gồm 11 thành viên là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời ra Tuyên bố chung khẳng định các nước TPP đã thông nhất được những vấn đề cốt lõi của Hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới.

TPP-11 có tên gọi mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)  - ảnh 1

Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại cuộc họp báo TPP bên lề Hội nghị APEC ở Đà Nẵng ngày 11/11.Ảnh: AFP/TTXVN

Tại buổi họp báo sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết: “Trong bối cảnh mới, tất cả các quốc gia đều khẳng định quyết tâm và mong muốn của mình tiếp tục con đường này. Chính vì vậy, tính chất và chất lượng của Hiệp định thể hiện qua 2 điều bổ sung là toàn diện và tiến bộ, là điều mà tất cả các Bộ trưởng của TPP-11 đều thống nhất và nhấn mạnh. Qua đó, mục tiêu chung, tính bao trùm của Hiệp định TPP ở đây không chỉ đơn thuần là sự khác biệt của TPP-12 với TPP-1 mà vấn đề ở chỗ chúng tôi đã thảo luận và thống nhất quan điểm của tất cả các quốc gia trong TPP 11 về việc tiết tục duy trì Hiệp định TPP với chất lượng cao, mang tính toàn diện trong tất cả các lĩnh và khía cạnh, chứ không đơn thuần về mở cửa thị trường cũng như thực hiện những cải cách trong thương mại và kinh tế."

 Các Bộ trưởng cũng nhất trí rằng Hiệp định CPTPP là một Hiệp định đảm bảo cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước. Dựa trên Tuyên bố này, các Bộ trưởng giao các Trưởng đoàn đàm phán tiếp tục xử lý một số vấn đề kỹ thuật hiện chưa đạt được sự đồng thuận cũng như tiến hành việc rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết.

Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Việt Nam với vai trò là nước chủ nhà giúp Nhật Bản đồng chủ trì cuộc họp cấp Bộ trưởng đã có những đóng góp thiết thực và xây dựng vào thành công chung của Hội nghị.

Hiện Hiệp định CPTPP gồm 11 nước: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.


Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu