(VOV5)- Trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
|
Họp báo tuyên bố kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới TPP |
Kết thúc hội nghị tối qua, 5/10, (theo giờ Việt Nam), tại thành phố Atlanta, đã mở đường cho khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. Những nút thắt cuối cùng đối với hiệp định được đánh giá là “lịch sử” được tháo gỡ, sau khi Bộ trưởng 12 nước tham gia TPP đạt được đồng thuận về 3 lĩnh vực còn lại là ô tô, sữa và thời hạn bản quyền sở hữu sinh dược sau gần 5 ngày đàm phán đầy căng thẳng, mở ra một tương lai đầy hứa hẹn đối với tự do thương mại trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu sau cuộc đàm phán, đại diện của 12 nước khẳng định: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ trở thành hình mẫu cho thương mại trong thế kỷ 21. Được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21, Hiệp định TPP bao gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước.
Trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
|
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Atlanta (Ảnh: TTXVN) |
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước thành viên TPP. Về mặt kinh tế, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, những cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Theo thống nhất của các Bộ trưởng TPP thì ngay sau khi kết thúc việc đàm phán này, các nước sẽ thực hiện quy trình nội bộ. Trước hết đó là việc rà soát lại về mặt pháp lý, câu chữ, lời văn xem nó có phù hợp với quy định ở trong nước hay không. Thứ hai là chuẩn bị cho bước chuẩn ý theo quy trình nội bộ của từng nước. Riêng đối với Việt Nam, chúng ta sẽ thực hiện một việc rất quan trọng nữa. Đó là sẽ công bố một cách rộng rãi các thông tin tóm tắt về nội dung của TPP, đặc biệt là những cam kết về thị trường mà chúng ta đã thống nhất với các nước TPP. Do tính chất quan trọng của hiệp định lần này, nên theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công thương cùng đoàn đàm phán của chính phủ sẽ báo cáo với Thủ tướng chính phủ để chính phủ báo cáo với Ban chấp hành Trung ương Đảng về nội dung của TPP, xin ý kiến chỉ đạo trước khi chúng ta chính thức tiến hành việc ký kết hiệp định và báo cáo với Quốc hội xem xét để thông qua”.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Việt Nam đã có nhiều có kinh nghiệm trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế, chính vì vậy Việt Nam sẽ vận dụng, khai thác những lợi thế mà TPP mang lại, từ đó nhận rõ những khó khăn cũng như thách thức để có biện pháp phù hợp. Đồng thời Việt Nam đang thực hiện quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng vì vậy sẽ gặp nhiều thuận lợi khi tham gia TPP..