Sáng 18/6, tại Hà Nội, diễn ra Đối thoại Biển lần thứ 5 với chủ đề "Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức.
Đối thoại Biển lần thứ 5 thu hút sự tham dự của hơn 70 khách mời là đại diện của các tổ chức, Bộ Ngoại giao, Cơ quan đại diện ngoại giao, các Bộ, Ban ngành liên quan cùng các học giả, chuyên gia nghiên cứu về vấn đề ASEAN và Biển Đông. Đây là cơ hội để các học giả và đại biểu quốc tế trao đổi về những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự hợp tác giữa các thành viên trong khối trong vấn đề Biển Đông.
Đối thoại Biển lần thứ 5. Ảnh Ánh Huyền |
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Trưởng Đại diện Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức tại Việt Nam Peter Girke cho biết, Đối thoại Biển lần thứ 5 là hoạt động tiếp theo được triển khai trong loạt đối thoại về Biển Đông được Học viện Ngoại giao phối hợp tổ chức trong 2 năm qua. Theo ông Peter Girke, các vấn đề xung đột đã tạo ra thách thức lớn đối với hòa bình ổn định trong khu vực trong nhiều năm qua.
Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang dần có những quan điểm và lợi ích khác nhau, cũng như cách tiếp cận khác nhau trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Vì vậy, Đối thoại Biển lần thứ 5 là cơ hội để các học giả, các nhà nghiên cứu khu vực và quốc tế cùng thảo luận và tìm kiếm những giải pháp khả thi và thực tiễn để "hiến kế" giúp ASEAN xử lý những thách thức an ninh trong khu vực:
"ASEAN vẫn nỗ lực duy trì và khẳng định mong muốn đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực. Đối thoại lần này bàn thảo những vấn đề nóng liên quan tới khu vực như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cách để ASEAN có thể định hình và khẳng định vị trí trong cuộc xung đột đó, vai trò của Việt Nam cũng như những kỳ vọng khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong việc hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tôi tin rằng Việt Nam sẽ đóng góp cho hòa bình, an ninh thế giới và vấn đề Biển Đông cũng là một nội dung ưu tiên."- Ông Peter Girbe nói.
Quang cảnh buổi đối thoại.- Ảnh Ánh Huyền |
Trong khuôn khổ đối thoại, các đại biểu cũng đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều phương thức giúp định hình những ưu tiên, xác định điểm chung, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia ASEAN để giải quyết các vấn đề mang tính chất nhạy cảm trên Biển Đông, đặc biệt là các vấn đề về suy giảm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên cá…
Đối thoại Biển lần thứ 5 diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 29 các quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 vừa khai mạc tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York với sự tham dự của các quốc gia thành viên Công ước, đại diện các thiết chế được thành lập theo Công ước như Tòa án quốc tế về Luật biển, Ủy ban Ranh giới thềm lục đia, Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, một số nước quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế chuyên ngành về biển.