Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, sáng 20/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và chúc mừng một số nhà giáo nhân dân và những người có đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú Thái Thị Liên - Ảnh: Quang Hiếu/VGP
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm nhà Nhà giáo nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú Thái Thị Liên, một trong những nữ nhạc sỹ dương cầm đầu tiên của Việt Nam và là một trong 7 người thầy đầu tiên đã tạo dựng nên trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà văn Vũ Tú Nam - Ảnh: Quang Hiếu/VGP
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tới thăm nhà văn Vũ Tú Nam, người đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật và nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, người đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo - Ảnh: Quang Hiếu/VGP
|
Nhân dịp tới thăm các nhà giáo và cũng là các văn nghệ sỹ có tên tuổi của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ đang tích cực nghiên cứu để sớm có những chính sách phù hợp cho các nhà giáo cũng như văn nghệ sỹ để bảo đảm vừa có cuộc sống ổn định vừa có những đóng góp lớn hơn nữa vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo và văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sáng 20/11 tới dự lễ khánh thành “Không gian truyền thống Hà Nội - Amsterdam”. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa trong lịch sử phát triển của trường Hà Nội - Amsterdam, góp phần quan trọng giúp nhà trường trong việc đào tạo học sinh giỏi thủ đô.
Sáng 20/11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017). Nhân dịp này, Đảng và Nhà nước trao tặng 1 Huân chương Độc lập, 2 Huân chương Lao động và 2 danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho cán bộ nhà giáo có nhiều thành tích xuất sắc công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: (Thu Hằng/VOV)
|
Phát biểu tại lễ mít tinh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nâng tầm thương hiệu của Học viện. Đặc biệt tiếp tục cơ cấu lại chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng chính trị cao cấp, tiến sĩ, thạc sĩ theo hướng chuyên sâu.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu rõ. “Cơ hội và thách thức rất lớn, mặc dù Học viện hiện đã làm, nhưng cũng cần coi trong và đầu tư hơn nữa về chương trình giảng dạy, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, cơ cấu lại chương trình học sao cho phù hợp, thích ứng với tình hình mới. Tôi tin tưởng rằng với bề dày và truyền thống vẻ vang 68 năm xây dựng và phát triển Học viện sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong tình hình mới”.
Cũng trong sáng 20/11, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: Trần Huỳnh/Tuổi trẻ
|
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ: “Nhà trường cần tiếp tục chuẩn hóa, đổi mới phương cách quản trị đại học, kết hợp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu để sớm phát triển thành đại học hàng đầu trong khu vực châu Á về lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn. Đặc biệt nhà trường cần quan tâm đến lớp cán bộ giảng viên trẻ có phẩm chất chính trị, có đạo đức và thích ứng với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
60 năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị dẫn đầu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi lẵng hoa chúc mừng hai nhà giáo lão thành ở tuổi bách niên là Giáo sư Vũ Khiêu và Nghệ sỹ dương cầm Thái Thị Liên. Đây là hai trong số những nhà giáo tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam.