Ngày 01/07, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố ấn phẩm “Điểm lại” - báo cáo bán thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Việt Nam thời gian qua.
Trong báo cáo, phân tích của WB cho thấy tăng trưởng của Việt Nam thời gian gần đây giảm tốc là do tác động của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng. Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Các hoạt động kinh tế của Việt Nam đã chững lại phần nào. Một phần do môi trường kinh tế có nhiều thách thức hơn, nhưng dù sao với tốc độ tăng trưởng 6.8% trong 6 tháng đầu năm thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vững. Về triển vọng, mặc dù có sự chững lại trong ngắn hạn nhưng triển vọng vẫn rất tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam, kể cả về tăng trưởng cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Ngành chế tạo chế biến vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, giảm từ 13% xuống còn 11% trong năm nay. Nông nghiệp suy giảm từ gần 4% xuống còn 2,2%. Ngược lại ngành dịch vụ tiếp tục có kết quả tốt, con số tăng trưởng phù hợp.”
Ảnh Lê Phương VOV5 |
WB nhận định mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2019 được dự báo sẽ giảm còn 6,6%; trong khi đó, chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%. Rủi ro tiếp tục gia tăng, do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên khi căng thẳng thương mại tái leo thang và biến động tài chính nhiều hơn.
Theo khuyến nghị của đại diện WB tại Việt Nam, thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn bị điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, cùng với đó, Việt Nam cũng sẽ phải tiếp tục tăng cường chiều sâu cải cách cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại thông qua các hiệp định khu vực và đa phương.