Tối 21/10, tại Trung tâm hội nghị quốc tế (Hà Nội), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres chủ trì Lễ kỉ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (20/9/1977 – 20/9/2022).
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc ngày 20/9/1977 là khởi đầu chặng đường lịch sử mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Việt Nam tự hào về nỗ lực thực hiện các sứ mệnh cao cả của LHQ, triển khai các mục tiêu, chương trình của LHQ, các sáng kiến của Tổng thư ký và nhiều chương trình trở thành hiện thực. Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực trụ cột của Liên hợp quốc, thực hiện có hiệu quả nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Việt Nam đang tiên phong trong các nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc ở cấp quốc gia. Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều nữ quân nhân, đã có mặt tại các Phái bộ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và vùng Abyei.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: VOV
|
Tại Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người. Việt Nam vừa vinh dự được bầu vào Hội đồng Nhân quyền 2023-2025. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, hướng tới Giảm phát thải bằng “0” vào 2050. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, chúng ta kỳ vọng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, là hạt nhận kết nối đoàn kết quốc tế, là đầu mối phối các nỗ lực đa phương giúp củng cố hoà bình, an ninh và hợp tác phát triển, vì một thế giới không có chiến tranh, xung đột, bất công, nhân loại không còn đói nghèo, lạc hậu. Đối với Việt Nam, từ lịch sử trải qua nhiều năm chiến tranh, chúng tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa của hòa bình và giá trị của phát triển, quyết tâm thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với khát vọng Việt Nam hùng cường, hướng tới trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Trên chặng đường đi lên đó, hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả của Việt Nam. Chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện hiệu quả những hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc, đóng góp xử lý các thách thức toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới".
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký LHQ mong muốn LHQ và Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác, cùng tiếp tục viết nên chương mới trong câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam. Trong đó lấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững, đảm bảo công bằng xã hội, phát triển nền kinh tế xanh…Việt Nam đã đi được một chặng đường dài, nhưng hành trình phát triển của Việt Nam vẫn còn tiếp diễn. Một lần nữa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới. Để chúng ta có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu; để chúng ta không bỏ lại ai ở phía sau; để các bạn có thể chuyển đổi nền kinh tế của mình và thay đổi thế giới, Liên hợp quốc tự hào khi được là đối tác của Việt Nam – từng bước trên chặng đường này. Tiến lên - cùng tiến lên. Chúng ta sẽ cùng đi lên, đúng như lời cổ vũ trong bản Quốc ca Việt Nam.
Tổng thư ký LHQ chúc mừng Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và cho biết LHQ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên vì hòa bình, phát triển bền vững và quyền con người cho tất cả mọi người. Tổng thư ký LHQ hoan nghênh Việt Nam đang triển khai quyết định mạnh mẽ về đẩy nhanh giảm điện than, khởi động cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nhưng Việt Nam cần được hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và xanh hóa nền kinh tế. Nhấn mạnh việc cần thiết lập Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, ông đánh giá Việt Nam đang là quốc gia đi đầu trong tiến trình đó, tiên phong trong việc thiết lập một khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi công bằng và bao trùm sang năng lượng tái tạo. Thông qua Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, Việt Nam đang trở thành hình mẫu phát triển mới để cả thế giới tham khảo.