Hội thảo khoa học về Biển Đông tại Hàn Quốc

Chia sẻ
(VOV5)- Ngày 14/11, tại thành phố Busan, miền Nam Hàn Quốc, diễn ra hội thảo với chủ đề “Phương hướng giải quyết mang tính hòa bình trong vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông”.

(VOV5)- Ngày 14/11, tại thành phố Busan, miền Nam Hàn Quốc, diễn ra hội thảo với chủ đề “Phương hướng giải quyết mang tính hòa bình trong vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông”.

Đây là cuộc hội thảo lần thứ tư về vấn đề Biển Đông do Đại học Youngsan (Hàn Quốc) phối hợp với Hội người Hàn Quốc yêu Việt Nam (VESAMO) tổ chức. Tại hội thảo, các báo cáo tham luận và phản biện của các nhà khoa học tập trung làm rõ 3 chủ đề chính gồm: Những vấn đề mang tính pháp lý quốc tế liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông; lập trường và quan điểm của Việt Nam về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông; những vấn đề mang tính pháp lý trong việc thi hành luật biển ở Biển Đông trong thời gian gần đây và hệ thống luật biển có liên quan của Trung Quốc.

Hội thảo khoa học về Biển Đông tại Hàn Quốc - ảnh 1
Đại biểu Trường Đại học Luật Hà Nội tham gia thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Phạm Duy/Vietnam+)

Trong quá trình diễn ra hội thảo, các đại biểu cũng được tiếp cận với các tài liệu, sách báo về căn cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; tính phi lý trong yêu sách “đường lưỡi bò" của Trung Quốc của các nhà nghiên cứu, học giả quốc tế đã được đăng tải và được được dư luận đánh giá cao.

Trả lời phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết, qua hội thảo lần này có thể thấy các học giả và nhà nghiên cứu của Hàn Quốc đều thừa nhận rằng việc Trung Quốc gửi công hàm cho Liên hợp quốc (LHQ) và yêu sách “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường chín đoạn”) của Bắc Kinh là hành vi đơn phương, không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.

Đặc biệt, hành vi này đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhất là khi Trung Quốc cũng là một thành viên của công ước này. Đây cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở khu vực Biển Đông, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu